Thứ tự các bước kiểm tra phát hiện ung thư vú!

Ung thư vú là bệnh có tiên lượng tốt nếu được phát hiện sớm. Bài viết này giới thiệu cho bạn 4 bước trong cách kiểm tra phát hiện ung thư vú. Đây là các bước giúp người bệnh tầm soát ung thư vú một cách hiệu quả.

1. Tự phát hiện ung thư vú tại nhà

Tự kiểm tra vú là bước đầu tiên nên làm. Lời khuyên cho bạn là hãy chú ý đến bất kì sự thay đổi nào ở ngực bằng cách tự kiểm tra hàng tháng để giúp bạn hiểu rõ về bộ ngực của bạn. Bạn cũng cần nhận thức rõ hơn về bất kì dấu hiệu cảnh báo tiềm ẩn nào. Phương pháp tự khám vú cần phải được phổ biến rộng rãi cho phụ nữ, bởi vì đây là phương pháp có hiệu quả nhất góp phần phát hiện sớm ung thư vú. Sau đây là các bước tự kiểm tra vú tại nhà.

Quan sát ngực trước gương trong tư thế đứng vai thẳng, tay chống hông

Những điều cần quan sát:

  • Hai bên ngực có kích thước, hình dạng và màu sắc bình thường
  • Hai bên ngực có hình dạng đều đặn, không thấy biến dạng hoặc sưng

Nếu thấy những thay đổi sau, bạn nên đi khám bác sĩ:

  • Vết lõm, nhăn, hoặc lồi của da
  • Núm vú thay đổi vị trí hoặc tụt vào trong
  • Vết đỏ, loét, phát ban hoặc sưng

Kiểm tra vú theo tư thế đứng thẳng 2 cánh tay đưa lên trên đầu

Tại bước này quan sát và kiểm tra vú tương tự như bước 1

Kiểm tra dấu hiệu chảy dịch ở núm vú

Trong khi đứng trước gương, kiểm tra dấu hiệu chảy dịch ở một hoặc cả hai núm vú (dịch này có thể là nước, sữa, dịch vàng hoặc máu). Dùng 3 ngón tay ấn nhẹ lên bầu vú, bắt đầu từ trong quầng vú vừa ấn nhẹ vừa di chuyển lần ra ngoài theo đường xoắn ốc, và bên ngực đối diện cũng khám tương tự như thế. Di chuyển tay từ nách xuống ngực để xem có xuất hiện hạch hay không? Tiếp đến, ấn nhẹ vào núm vú để xem có xuất hiện máu, nước vàng chảy ra hay không?

Kiểm tra ngực ở tư thế nằm ngửa

Tại bước này, kiểm tra ngực ở tư thế nằm ngửa, dùng tay phải để sờ nắn ngực trái và tay trái để sờ nắn ngực phải, sử dụng mặt phẳng của các đầu ngón tay khép lại, nắn theo hình vòng tròn. Kiểm tra toàn bộ bầu vú từ trên xuống dưới, từ phía xương đòn xuống phía bụng và từ phía nách vào phía xương ức.

Làm theo trình tự để đảm bảo kiểm tra hết toàn bộ ngực. Có thể bắt đầu từ núm vú, di chuyển theo vòng tròn lớn dần cho đến khi tới hết rìa ngoài của vú.

Cũng có thể chuyển động các ngón tay lên xuống theo chiều dọc, theo từng hàng như khi cắt cỏ. Cách này có vẻ có tác dụng tốt nhất với hầu hết phụ nữ.

Hãy đảm bảo sờ nắn hết toàn bộ mô từ trước ra sau vú: với da và mô ngay dưới da, dùng lực ấn nhẹ; dùng lực ấn trung bình với mô ở giữa; dùng lực ấn mạnh với mô ở sâu. Khi tới mô sâu, bạn cần cảm thấy được xương sườn.

Sờ nắn ngực ở tư thế đứng hoặc ngồi

Đây là bước cuối cùng, sờ nắn ngực ở tư thế đứng hoặc ngồi. Đa số chị em phụ nữ thường tự kiểm tra bước này trong lúc tắm. Kiểm tra toàn bộ ngực, sử dụng chuyển động của bàn tay như mô tả ở bước 4.

☛  Xem chi tiết hơn trong bài: “Triệu chứng của ung thư vú“

Ghi nhớ khi tự kiểm tra ung thư vú

  • Hãy bắt đầu tự kiểm tra 1 vú tháng một lần, chưa cần chú ý nhiều đến các u cục mà thay vào đó hãy tìm hiểu các phần khác nhau của ngực bình thường sẽ có hình dạng và cảm giác như thế nào. Ghi chép lại sẽ giúp bạn nhớ hơn.
  • Tự kiểm tra sau khi hết “đèn đỏ” vài ngày, khi ngực ít bị căng và cương tức hơn. Với những người đã mãn kinh, hãy chọn một ngày cho dễ nhớ, ví dụ như ngày đầu tiên hoặc cuối cùng của tháng.
  • Bạn chỉ nên lo ngại nếu có u cục đột ngột xuất hiện và tồn tại suốt một chu kỳ kinh nguyệt, tách biệt với cấu trúc xung quanh.
  • Nếu thấy khối u bất thường đột ngột xuất hiện và tồn tại suốt một thời gian, ngày càng to lên, hãy đến khám ở cơ sở y tế.

2. Khám lâm sàng ung thư vú

Sau việc tự kiểm tra vú tại nhà bạn có nghi ngờ mình có khả năng nào đó bị ung thư vú. Bạn cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng bao gồm hỏi bệnh và khám vú.

Bác sĩ sẽ hỏi để làm rõ xung quanh các vấn đề như sau:

  • Những dấu hiệu triệu chứng bất thường
  • Vị trí khối u nghi ngờ
  • Thời gian xảy ra những triệu chứng này là khi nào, kéo dài nào, kéo dài bao lâu, tần xuất ra sao?
  • Kinh nguyệt của bạn như nào?
  • Bạn đã từng bị bệnh lý nào khác?
  • Tiền sử mang thai và tiết sữa
  • Tiền sử gia đình: Để đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, điều cần thiết là phải biết tiền sử bệnh của gia đình bạn.

Với khâu khám vú, bác sĩ sẽ khám chi tiết và cụ thể hơn với bước khám vú tại nhà theo đúng chuyên môn. Khám bao gồm khám hạch, khám vú theo từng vùng, đánh giá tình trạng dính của khối u vào cơ ngực. Những khối u lành tính của tuyến vú như u tuyến xơ và các u nang của tuyến thường có ranh giới rõ ràng, mật độ mềm và có thể di động dễ dàng. Khối ung thư vú thường có mật độ chắc hơn, ranh giới không rõ ràng, ít di động và thường dính gây co kéo tổ chức xung quanh.

3. Phát hiện ung thư vú qua hình ảnh

Để làm rõ hơn chúng ta có các xét nghiệm hình ảnh để đánh giá. Các xét nghiệm hình ảnh có thể là siêu âm vú, chụp X quang hay chụp cộng hưởng MRI. Bác sĩ sẽ xem xét nhiều yếu tố để chỉ định xét nghiệm hình ảnh nào. Cụ thể các xét nghiệm hình ảnh như sau:

Siêu âm vú

Siêu âm vú có thể phát hiện khối u trước khi có thể sờ thấy chúng. Siêu âm giúp xem xét một số thay đổi ở vú, chẳng hạn như các cục u (đặc biệt là những khối u có thể cảm nhận được nhưng không thấy trên chụp quang tuyến vú) hoặc những thay đổi ở phụ nữ có mô vú dày đặc. Nó cũng có thể được sử dụng để xem xét một khu vực khả nghi đã được nhìn thấy trên hình ảnh chụp quang tuyến vú.

Chụp X-quang tuyến vú

Chụp quang tuyến vú được sử dụng để tìm kiếm dấu hiệu của bệnh ung thư vú ở những phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào. Hình ảnh X-quang của mỗi bên vú được chụp, thường từ 2 góc độ khác nhau.

Chụp cộng hưởng từ MRI

Chụp MRI cho hình ảnh cắt ngang chi tiết bằng cách sử dụng sóng vô tuyến và nam châm mạnh thay vì tia X. Chụp MRI có thể khó chịu vì chúng mất nhiều thời gian và bạn thường phải nằm trong 1 ống hẹp  khi chụp. Và không phải tất cả các bệnh viện và trung tâm chẩn đoán hình ảnh đều có thiết bị chụp MRI vú chuyên dụng.

Chỉ định chụp MRI này khi các xét nghiệm trước nghi ngờ là ung thư hay với bạn nằm trong nhóm nguy cơ cao bị ung thư vú như tiền sử gia đình bạn bị ung thư vú.

4. Sinh thiết để xác định ung thư vú hay không

Sinh thiết vú là cách chẩn đoán ung thư vú chính xác nhất!

Khi các xét nghiệm hình ảnh cho thấy bạn có thể bị ung thư vú, bạn có thể cần phải làm sinh thiết. Hầu hết các kết quả sinh thiết không phải là ung thư, nhưng sinh thiết là cách duy nhất để tìm ra chắc chắn xem có phải là ung thư hay không. Vì thế đây là chỉ định bắt buộc. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ loại bỏ các mảnh nhỏ từ khu vực nghi ngờ để có thể nghiên cứu phân tích chúng trong phòng thí nghiệm, xem liệu chúng có chứa tế bào ung thư hay không.

Ý nghĩa việc phát hiện ung thư vú sớm

Ung thư vú đôi khi được phát hiện sau khi các triệu chứng xuất hiện, nhưng nhiều phụ nữ bị ung thư vú không có triệu chứng. Đây là lý do tại sao tầm soát ung thư vú thường xuyên là rất quan trọng. Phát hiện sớm là điều cần thiết để cứu sống và có thể tăng 99% tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bạn.

☛ Tham khảo thêm: Địa chỉ tầm soát ung thư vú

Không bao giờ là quá sớm, bạn có thế tầm soát ung thư vú ngay từ bây giờ nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ cao. Còn độ tuổi khuyến cáo nên tầm soát ung thư vú chung với phụ nữ như sau: Phụ nữ từ 40 đến 44 tuổi nên có lựa chọn bắt đầu tầm soát ung thư vú hàng năm.

Phát hiện sớm ung thư vú có thể cứu sống bạn.

Trên là các cách phát hiện ung thư vú được thực hiện trong quá trình tầm soát ung thư vú. Bạn hãy bắt đầu bước 1- tự kiểm tra vú tại nhà ngay từ bây giờ để đẩy lùi ung thư vú.

Chúc bạn sức khỏe!

Bài viết liên quan