Đau vú buồn nôn hiện nay là một trong những triệu chứng phổ biến và gây nhiều khó chịu cho người mắc phải. Nhiều người lầm tưởng chỉ khi mang thai mới xảy ra tình trạng này nhưng thực tế đây cũng là một trong những cảnh báo các vấn đề về sức khỏe. Vậy đau vú buồn nôn là gì? Nó là triệu chứng của bệnh lý nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi này.
Đau vú buồn nôn là hiện tượng như thế nào?
Đau vú (hay còn gọi là đau tuyến vú) với triệu chứng thường thấy nhất là cảm giác nhói, đau âm ỉ, đau như có vật thể đâm vào ngực, căng tức ở một vị trí nhất định hoặc trên toàn bộ mô vú.
Cơn đau vú có thể diễn ra liên tục, kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tháng hoặc đau theo chu kỳ kinh nguyệt từ nhẹ đến nặng:
- Khi đau không phải theo chu kỳ kinh nguyệt, có thể diễn ra trong hai đến ba ngày trong một tháng hoặc đau suốt tháng. Diễn ra ở cả hai bên hoặc chỉ một trong hai bên vú, tại một vị trí xác định, cảm giác thường thấy là rát, đau châm chích và căng.
- Nếu đau do chu kỳ kinh nguyệt, có thể do sự rối loạn nội tiết gây nên, đi kèm theo đó là vú bị sưng, nhức, đau âm ỉ. Đau chủ yếu bên ngoài, nằm ở cả hai bên vú, lan ra hai bên cánh tay. Sẽ giảm dần khi qua chu kỳ kinh nguyệt và tiếp tục tái diễn vào chu kỳ của tháng sau.
Đau vú còn có thể do sự tổn thương ở một bộ phận lân cận của mô vú, cơn đau đó làm lầm tưởng là do vú nhưng thực chất lại không phải. Đau ngoài vú chủ yếu do khung xương, sụn ở ngực, một số lại do tim, phổi.
Buồn nôn là cảm giác muốn nôn, khó chịu ở dạ dày. Đây có thể là dấu hiệu của việc báo trước thức ăn trào ngược lên thực quản và tống ra ngoài. Nôn được chia làm hai loại: nôn cấp tính và kéo dài.
Việc nôn kéo dài có thể dẫn đến mất điện giải, suy nhược cơ thể. Nên cần liên hệ bác sĩ để được thăm khám và có phương hướng điều trị tốt nhất.
Nguyên nhân nào gây đau vú buồn nôn?
Đau vú buồn nôn là một hiện tượng khá phổ biến, bất kỳ một người phụ nữ nào cũng ít nhất một lần từng mắc phải tình trạng này.
Có rất nhiều các nguyên nhân khác nhau gây nên triệu chứng đau vú buồn nôn, đau liên tục không theo chu kỳ hoặc theo chu kỳ kinh nguyệt. Không phải lúc nào cũng là do các bệnh nguy hiểm gây nên, nhiều khi quá trình sinh hoạt không đều độ, ăn uống thất thường làm rối loạn nội tiết, mang thai, va đập, stress,…khiến cơ thể xuất hiện tình trạng này.
Tuy nhiên, đau vú buồn nôn cũng là một trong những triệu chứng điển hình của ung thư vú thức phát (di căn). Nên người bệnh cần phải cẩn trọng cũng như theo dõi, tầm soát ung thư thường xuyên nếu tình trạng này kéo dài và không giảm bớt.
Phần lớn nguyên nhân của đau vú buồn nôn bao gồm như:
Dấu hiệu của mang thai
Hầu hết phụ nữ mang thai đều từng trải qua cảm giác đau vú buồn nôn, chính vì thế, khi bạn mắc phải hiện tượng này, có thể nghĩ đến sự thụ thai. Để biết chắc được có phải do mang thai gây ra hay không, một số phương pháp bạn có thể áp dụng để kiểm tra như:
- Sử dụng que thử thai.
- Siêu âm.
- Xét nghiệm nồng độ hCG.
Đau vú do mang thai thường nghiêm trọng hơn so với đau do chu kỳ kinh nguyệt, đau âm ỉ đi kèm với cảm giác căng tức, nhạy cảm và nặng hơn. Tình trạng này thường xảy ra trong khoảng một đến hai tuần sau khi thụ thai và kéo dài do sự tăng lên của hormone nội tiết.
Buồn nôn do mang thai thường có trong ba tháng đầu của thai kỳ với tên gọi khác là ốm nghén, đây là một triệu chứng hoàn toàn bình thường. Những cơn buồn nôn bắt đầu vào khoảng một tháng sau khi bạn bắt đầu thai kỳ.
Sự nghiêm trọng của buồn nôn có thể tăng lên trong thai kỳ khiến cơ thể bị suy nhược, sụt cân. Nếu gặp tình trạng này, điều quan trọng hơn hết là liên hệ với bác sĩ để được thăm khám tốt nhất.
Thay đổi nội tiết tố do chu kỳ kinh nguyệt
Đau vú buồn nôn liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt thường lặp đi lặp lại ở mỗi tháng.
Đau vú thường đi kèm với cảm giác căng tức, ngực trở nên nặng nề, xuất hiện trong thời kỳ tiền kinh nguyệt (khoảng từ ba ngày đến một tuần trước ngày đầu của kỳ kinh), ở cả hai vú.
Liên quan đến sợi cơ bị thay đổi. Những thay đổi này là những khối u (hoàn toàn không liên quan đến ung thư). Nguyên nhân là do sự nhạy cảm của các tế bào tuyến vú đối với hormone nội tiết, đặc biệt là progesterone và estrogen.
Chu kỳ kinh nguyệt khiến cơ thể tiết ra prostaglandin làm cho tử cung co bóp, điều này khiến cơ thể dẫn đến buồn nôn, nôn.
Các vấn đề đau vú buồn nôn do chu kỳ kinh nguyệt là dấu hiệu bình thường mà hầu hết phụ nữ ai cũng từng một lần mắc phải. Bạn không cần phải quá lo lắng, triệu chứng này thường quay lại vào chu kỳ kinh của tháng tiếp theo và chỉ biến mất khi bước vào tuổi mãn kinh.
Rối loạn nội tiết không do chu kỳ kinh nguyệt
Đau vú buồn nôn gây bởi rối loạn nội tiết không nhất thiết phải do chu kỳ kinh nguyệt, một số yếu tố khác có thể tác động làm thay đổi hormone nội tiết như:
- Chế độ ăn uống thất thường: Ăn kiêng không khoa học như nhịn đói, ăn uống bỏ bữa hoặc quá giờ, thiếu chất dinh dưỡng, giảm cân đột ngột là một trong những nguyên nhân chính gây rối loạn hormone. Có thể khắc phục được bằng cách cân bằng lối sống trở lại.
- Căng thẳng, stress kéo dài: Cuộc sống nhiều công việc, lo lắng thường xuyên làm rối loạn các tuyến trong cơ thể, từ đó gây nên triệu chứng đau vú buồn nôn.
- Dùng caffeine: Nghiên cứu mới nhất cho thấy có sự liên hệ mật thiết khi người dùng sử dụng caffeine với đau vú, nhưng điều này còn cần phải nghiên cứu thêm.
Do tác dụng phụ của một số thuốc
Một số thuốc có tác dụng phụ gây đau vú buồn nôn cho cơ thể như:
- Sử dụng thuốc nội tiết tố, thuốc tránh thai, thuốc điều trị vô sinh,…có thể liên quan đến đau vú và buồn nôn. Liệu pháp hormone estrogen và progesteron sử dụng sau mãn kinh gây ra căng ngực. Các thuốc này ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thống điều tiết nội tiết tố nên rất dễ gây nên tình trạng này.
- Các thuốc chống trầm cảm, thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), thuốc điều trị cao huyết áp, kháng sinh,…đều có thể gây nên tình trạng đau vú buồn nôn.
Nếu bản thân gặp phải đau vú buồn nôn trong khi đang dùng một loại thuốc nào đó, bạn có thể tạm ngưng sử dụng thuốc, liên hệ đến bác sĩ đang điều trị để có phương hướng điều trị tốt nhất cũng như tránh được các rủi ro không đáng có khác.
Phản ứng phụ sau khi phẫu thuật
Việc phẫu thuật vú, cắt bỏ khối u đôi khi để lại các cơn đau nhẹ ở vú, buồn nôn hay chóng mặt đều có thể xuất hiện sau hậu phẫu do tác dụng phụ của thuốc gây mê trên cơ thể.
Bạn không cần phải quá lo lắng khi gặp tình trạng này, nó sẽ dần giảm bớt sau một thời gian phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu cơn đau hay tình trạng buồn nôn ngày càng nghiêm trọng, cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn.
Triệu chứng điển hình của ung thư vú thứ phát (di căn)
Tình trạng đau vú trễ buồn nôn là một trong những triệu chứng điển hình khi các tế bào ung thư tuyến vú di căn vào các bộ phận khác của cơ thể.
Khi đau vú do ung thư di căn, cơn đau thường buốt, xuất hiện nhanh nhưng cũng nhanh biết mất, người bệnh thường bỏ qua. Ở một số phụ nữ, cơn đau ở vai, lưng sẽ nhiều hơn là đau ở vú. Đau vú có thể đi kèm với hạch nhỏ, ít di động, cứng.
Triệu chứng buồn nôn có thể đi kèm, thường khi bệnh nhân đang trong điều trị ung thư bằng hóa trị, xạ trị. Nếu nôn nhiều, bệnh nhân có thể liên hệ với bác sĩ để cân nhắc xem có cần điều trị tiếp hay không.
Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Hầu hết phụ nữ đều từng trải qua tình trạng đau vú buồn nôn. Tình trạng phổ biến này thường biến mất trong khoảng 2 – 3 ngày và không nghiêm trọng hay gây hại nhiều đối với cơ thể.
Tuy nhiên, bạn cần phải cân nhắc đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa nếu gặp thêm một hoặc nhiều trong những trường hợp sau:
- Cơn đau hay buồn nôn kéo dài, liên tục và có chiều hướng ngày một nặng thêm.
- Kèm theo là cảm giác mệt mỏi, sụt cân bất thường, vú chảy dịch đỏ, mủ. Sờ thấy cục u không di động.
- Cơn đau làm ảnh hưởng quá trình sinh hoạt, khó chịu, giảm sút chất lượng cuộc sống.
- Biến dạng khuôn ngực.
- Sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc chống nôn nhưng không thuyên giảm.
Đừng e ngại việc đến gặp các bác sĩ chuyên khoa, vì thực tế họ là giải pháp tốt nhất cho những tình trạng khó chịu của bạn.
Cần làm gì để giảm bớt đau vú buồn nôn?
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân khác nhau mà có phương pháp điều trị thích hợp. Nhưng một số cách để giảm bớt triệu chứng đau vú buồn nôn phổ biến bạn có thể tham khảo như:
- Thực hiện lối sống lành mạnh, tránh sử dụng nhiều các thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế các thực phẩm biến đổi gen, chứa hormone tăng trưởng, nhiều muối, chất bảo quản, rượu bia hay các đồ uống có cồn khác.
- Bổ sung vitamin, chất xơ, chất khoáng, đạm,…đầy đủ dinh dưỡng. Sử dụng nhiều các thực phẩm tươi xanh, màu sắc bắt mắt chứa nhiều chất chống oxy hóa.
- Không thực hiện chế độ ăn kiêng thiếu khoa học: nhịn đói, thiếu dinh dưỡng, điều này rất dễ gây nên rối loạn nội tiết tố trong cơ thể.
- Khi vú đau kéo dài gây khó chịu, bạn có thể dùng khăn ấm, túi chườm ấm đặt lên vị trí đau để giảm bớt. Luyện tập cơ thể nhẹ nhàng như tập yoga, thiền, hạn chế vận động mạnh tác động lên vùng ngực đang nhạy cảm.
- Sử dụng áo ngực hỗ trợ nâng ngực, đúng kích thước, không dùng áo quá chật hoặc quá rộng.
- Để tinh thần được thoải mái, giải trí, nghe nhạc.
- Sử dụng thuốc chống buồn nôn, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ nếu cần thiết.
- Nếu bạn bị đau vú buồn nôn khi đang sử dụng một loại thuốc nào đó, hãy tạm ngưng và thông báo cho bác sĩ điều trị.
Cách giảm bớt triệu chứng chỉ mang tính tham khảo, khi cơn đau vú buồn nôn kéo dài và mang tính chất ngày càng gia tăng. Cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, phát hiện các bất thường cũng như có phương hướng điều chỉnh chính xác nhất.
Lời kết
Đau vú buồn nôn thường không gây nguy hại cho người mắc phải. Vì vậy nếu bạn đang trong tình trạng đau vú buồn nôn, đừng lo lắng, thường triệu chứng sẽ hết trong khoảng vài ngày. Tuy nhiên, hãy liên hệ cho cơ sở y tế nếu có các triệu chứng bất thường khác và thường xuyên thăm khám để được phát hiện bệnh và điều trị tốt nhất.
Tham khảo
https://www.healthxchange.sg/women/pregnancy/pregnancy-week-six-symptoms-nausea-breast-tenderness-more
https://benhvienk.vn/cac-dau-hieu-tai-phat-di-can-benh-ung-thu-vu-nd80612.html
https://www.healthline.com/health/womens-health/pms-symptoms-vs-pregnancy-symptoms#fatigue
https://breastcancernow.org/information-support/facing-breast-cancer/secondary-metastatic-breast-cancer/secondary-breast-cancer-symptoms
https://healthengine.com.au/info/breast-pain-mastalgia
Breast Pain in Women