Viêm tuyến vú là là nỗi sợ của những bà mẹ sau sinh. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Chính vì thế mà không ít chị em đang lo lắng về tình trạng mình đang gặp phải và mong muốn tìm kiếm giải pháp khắc phục.
Vậy khi mắc viêm tuyến vú nên uống thuốc gì? Chị em hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Viêm tuyến vú là gì?
Viêm tuyến vú (hay còn được gọi là viêm tuyến sữa), là tình trạng một hoặc nhiều ống dẫn sữa xuất hiện viêm nhiễm, có thể xảy ra ở thời kì đang có thai hoặc vào thời kì đang cho con bú. Bệnh thường xảy phát sinh nhiều vào thời kì cho con bú, sinh con đầu lòng, phần lớn sau khi sinh được 3-4 tuần.
Có nhiều nguyên nhân gây nên viêm tuyến vú thường gặp như:
- Tinh thần không thư thái, trầm cảm sau sinh làm cho quá trình lưu thông bị ảnh hưởng, chức năng tiết sữa ứ đọng dễ gây viêm tuyến sữa.
- Tư thế cho trẻ bú không đúng kĩ thuật hoặc không cho trẻ bú hết sữa làm ứ đọng sữa lại trong tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Tắc tuyến sữa là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm tuyến vú.
- Vi khuẩn từ mũi, miệng của trẻ qua kẽ hở, vết xước tại vú vào ống dẫn sữa từ đó gây nên tình trạng nhiễm trùng.
Tuy nhiên, cũng có một tỷ lệ nhỏ số phụ nữ có viêm tuyến vú ngay cả khi không cho con bú hoặc đã mãn kinh. Các trường hợp này do thay đổi nội tiết làm các ống dẫn sữa bị bít tắc bởi các tế bào chết. Sự tắc nghẽn này dễ dẫn tới tình trạng viêm mãn tính của các ống tuyến dưới núm vú.
☛ Tìm hiểu thêm bệnh lý khác là: Viêm xơ tuyến vú là gì?
Viêm tuyến vú gây ra những ảnh hưởng như thế nào?
Khi tuyến vú bị viêm, bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng rõ rệt tại vùng vú gây cảm giác khó chịu, ảnh hướng tới tâm lý cũng như sinh hoạt. Phản ứng tại vú đối với tác nhân gây viêm sẽ có các dấu hiệu của viêm điển hình:
- Bầu vú căng dần do sữa bị ứ đọng lại nhưng khi bị ống dẫn sữa bị tắc cảm giác đau sẽ tăng dần lên.
- Da vú sưng, nóng đỏ tại vùng viêm.
- Có cảm giác đau nhức, nóng rát trong vú khi ấn vào, xuất hiện liên tục hoặc khi cho con bú.
- Xuất hiện khối u cục hoặc vùng cứng trên vú.
- Tiết dịch tại núm vú, dịch tiết có thể màu trắng hoặc có vệt máu.
- Ngoài ra, người mẹ có thể có triệu chứng giống cúm như đau nhức, sốt, mệt mỏi, ớn lạnh.
Nếu tình trạng nặng hơn nữa sẽ dẫn đến áp xe vú hoặc viêm mô tế bào nặng, biểu hiện bằng triệu chứng sốt cao, đau nhức dữ dội thậm chí có mủ chảy ra từ núm vú. Ở những trường hợp nhiễm nấm sẽ thấy đầu vú bị nứt nẻ.
Khi bị viêm tuyến vú sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sữa của các bà mẹ. Do có sự bít tắc xảy ra ở vú nên số lượng sữa tiết ra ở bên vú viêm sẽ ít hơn, lâu dần có thể dẫn đến mất sữa. Cùng với đó chất lượng sữa cũng không đảm bảo do có sự thay đổi mùi vị làm em bé bú ít hơn bình thường.
Viêm tuyến vú là bệnh lành tính do đó không quá khó trong việc điều trị. Bạn có thể sử thuốc để điều trị, trong trường hợp khối viêm sưng to tạo mủ có thể tiến hành chích rạch dẫn mủ hoặc phẫu thuật.
Dù vậy việc sử dụng thuốc vẫn là lựa chọn nhiều người tin dùng. Nhưng nên sử dụng các loại thuốc nào vừa an toàn và hiệu quả?
Viêm tuyến vú uống thuốc Tây y gì?
Một số loại thuốc tây y thường được bác sĩ sử dụng khi chị em bị viêm tuyến vú như:
Thuốc kháng sinh
Nguyên nhân gây viêm tuyến sữa hàng đầu gặp do tụ cầu (Staphylococcus aureus) do đó việc sử dụng kháng sinh là lựa chọn hàng đầu trong phương pháp điều trị. Có thể sử dụng kháng sinh thuộc loại penicillin hoặc cephalosporin các thế hệ 1, 3. Một số loại thuốc thuộc nhóm này như:
- Dicloxacillin 250mg
- Cephalexin 500mg
- Clindamycin 300mg
- Erythromycin 250mg
Thuốc kháng sinh dicloxacillin 500mg có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn gây viêm
Thuốc giảm đau
Sử dụng các thuốc để làm giảm các cơn đau như inbuprofen hoặc acetaminophen. Đây là các thuốc an toàn cho phụ nữ cho con bú và không gây ảnh hưởng đến cho bé. Để giảm đau bạn cũng có thể chườm ấm bằng cách đắp khăn ấm lên vùng vú bị viêm trước và sau khi cho bé bú, điều này cũng giúp cho vùng vú dễ chịu hơn.
Các bài thuốc Đông Y điều trị viêm tuyến vú
Trong y học cổ truyền, viêm tuyến vú được gọi là bệnh nhũ ung. Việc sử dụng các bài thuốc để điều trị được chia dựa trên các thời kì của bệnh.
Thời kì mới phát triển (sữa ứ trệ)
Phương pháp điều trị: sơ can thanh nhiệt, lợi sữa.
Bài thuốc 1
Bồ công anh 100g, sài đất 40g, huyền sâm 16g,Đ đan sâm 12g ,xuyên khung 12g, tạo giác thích 8g, mộc thông 16g, sa tiền 16g, thông thảo 16g. Đem sắc lấy nước uống trị bệnh rất tốt.
Bài thuốc 2
Qua lâu 10g, trần bì 6g, ngưu bàng tử 10g, sinh chi tử 10g, thiên hoa phấn 16g, tạo giác thích 10g, hoàng cầm 12g, kim ngân hoa 16g, thanh bì 8g, sài hồ 10g, cam thảo 6g, liên kiều10g.
Rửa sạch các nguyên liệu, cho vào nồi sắc cùng với 2 bát nước, uống ngày một thang.
Thời kì đã làm mủ
Phương pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, tiêu mủ.
Bài Hòa nhũ thang gia vị
Bồ công anh 40g, hoàng cầm 12g, kim ngân hoa 16g, thanh bì 8g, qua lâu 12g, sài hồ 8g, liên kiều 16g, xuyên sơn giáp 6g, thạch cao 40g, tạo giác thích 12g, chi tử 12g.
Đem các vị thuốc này sắc cùng 600ml nước, uống ngày một thang.
Nếu mủ nhiều không tiêu cần phải rạch tháo mủ.
Thời kì đã vỡ mủ
Phương pháp điều trị: điều hòa khí huyết, thanh nhiệt giải độc.
Bài Tứ diệu tán gia vị
Hoàng kì 16g,kim ngân hoa 20g, đương quy 16g, chích thảo 4g. Đem sắc cùng 2 bát nước sạch, uống hằng ngày.
Uống bài thuốc dân gian trị viêm tuyến vú
Bạn có thể tham khảo một số cách làm dưới đây được nhiều chị em áp dụng có hiệu quả
Lá đinh lăng
Thường sử dụng loại đinh lăng lá nhỏ. Theo y học cổ truyền lá đinh lăng có tác dụng: tăng cường thể lực, miễn dịch, giải tỏa căng thẳng, chống viêm sưng phù nề như tắc tia sữa, đau sưng khớp,… Có 2 bài thuốc thường dùng là:
Bài thuốc 1: Dùng 40g rễ đinh lăng, 3 lát gừng tươi, sắc với 500ml nước đến khi còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày, ngay khi còn nóng, uống liên tục trong 1 – 2 ngày sẽ thấy hiệu quả.
Bài thuốc 2: 1 nắm lá đinh lăng tươi, rửa sạch, sao đến khi vàng và nấu nước uống trong ngày. Uống liên tục trong 2 ngày sẽ thấy giảm viêm rõ ràng.
Lá bồ công anh
Tốt nhất phải là cây bồ công anh thấp của Trung Quốc, có hoa vàng như hoa cúc, nếu không có thể dùng cây bồ công anh Việt Nam. Bồ công anh còn có tên gọi khác như: rau bồ cóc, diếp dại, rau bao…
Đặc điểm: cây nhỏ, mọc thẳng, lá có nhiều răng cưa. Tác dụng của bồ công anh theo y học cổ truyền: Thanh nhiệt, giải độc, chống viêm, tán sưng, tiêu ung. Nên dùng nó rất tốt cho trường hợp viêm tắc tuyến vú.
Cách dùng như sau: 100g lá bồ công anh tươi, rửa sạch, xay nhuyễn nấu với 150ml nước. Dùng nước khi còn ấm nóng, uống liên tục trong 5 ngày. Phần bã còn lại đem đắp ngực, đắp khi còn nóng giúp phát huy tác dụng chữa đau nhức tuyến vú.
Lưu ý khi sử dụng thuốc trị viêm tuyến vú
- Trong quá trình sử dụng thuốc (kể cả các thuốc tây y), các bà mẹ không cần cho bé ngừng bú, vẫn cho bé bú đều đặn, thường xuyên, không nên hạn chế hoặc không cho trẻ bú vì sẽ làm tình trạng bệnh trở nặng hơn.
- Dùng thuốc đúng đơn, đúng liều lượng, nhất là sử dụng kháng sinh phải dùng đủ 7-14 ngày kể cả khi đã hết các dấu hiệu viêm.
- Khi sử dụng các thuốc đông y, các vị thuốc phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng tới kết quả điều trị.
- Có thể xoa bóp, mát xa vú để khí huyết lưu thông, sữa tiết đều đặn hơn, tránh gây ứ đọng sữa trong ống dẫn sữa.
- Chú ý giữ vệ sinh bầu vú sạch sẽ, lau rửa trước và sau khi cho trẻ bú, cho trẻ bú đúng kĩ thuật, bú hết sữa và vắt sữa còn ứ đọng trong tuyến khi trẻ không bú hết.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng thần kinh, stress, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
- Bên cạnh đó cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin nhất là vitamin C. Uống nước đủ 2 l/ngày kết hợp với vận động nhẹ nhàng.
- Ngoài ra, nên chú ý cả các điều điện sinh hoạt, nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Nếu trong quá trình sử dụng thuốc xảy ra các vấn đề hoặc bệnh tiến triển không đỡ, bạn hãy đến gặp các bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Lời kết
Việc sử dụng thuốc để điều trị viêm tuyến vú mặc dù đơn giản nhưng cũng có nhiều lưu ý bạn cần quan tâm. Tùy vào tình trạng, giai đoạn viêm mà bạn nên lựa chọn loại thuốc phù hợp, tránh bệnh tiến triển nặng hơn. Trên đây bài bài viết tổng hợp các loại thuốc điều trị viêm tuyến vú để chị em tham khảo, nếu có bất kì thắc mắc nào hãy liên hệ cho chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp.