U nang tuyến vú là một bệnh lành tính ở vú, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều chị em phụ nữ vẫn lo lắng nếu gặp phải tình trạng này, họ không biết liệu bệnh có tiến triển thành ung thư vú hay không. Vì vậy ở bài viết này, chúng tôi sẽ gửi tới những kiến thức về u nang tuyến vú mà mỗi chị em nên tự trang bị cho mình.
U nang tuyến vú – Một hiện tượng phổ biến
U nang tuyến vú là gì?
U nang tuyến vú (gọi tắt u nang vú, tên tiếng anh: Breast cysts) là những túi chứa đầy chất lỏng ở trong bầu vú, có hình tròn hoặc hình bầu dục. Chúng thường được sờ thấy như một cục tròn có thể di chuyển được, khi chạm vào có thể thấy mềm hoặc chắc. U nang vú có thể được tìm thấy ở một hoặc cả hai vú, bạn có thể có một hoặc nhiều u nang trong bầu vú.
Có nhiều loại u nang vú khác nhau, bao gồm:
1) U nang đơn giản (Simple cysts). Là những u nang có thành nhẵn, mỏng, hình dạng đều đặn và chứa đầy chất lỏng. Các sóng âm thanh khi kiểm tra siêu âm gửi đi xuyên qua chúng, cho thấy không có vùng rắn chắc. Các u nang đơn giản luôn lành tính.
2) U nang phức tạp (Complex cysts). Là những u nang có đường viền không đều hoặc hình vỏ sò, thành dày, có một số bằng chứng về các vùng rắn và/hoặc các mảnh vụn trong chất dịch. Những vùng rắn này dội lại sóng âm thanh từ sóng siêu âm. Khoảng 23% đến 31% u nang phức tạp có liên quan đến bệnh ác tính
3) U nang vú có biến chứng (Complicated cysts). Đây là loại u nang nằm “ở giữa” u nang đơn giản và u nang phức tạp. Chúng có hầu hết các đặc điểm của u nang đơn giản nhưng lại có mảnh vụn bên trong và dội lại một số sóng siêu âm. Tuy nhiên, chúng không có thành dày hoặc các thành phần rắn rõ ràng mà một u nang phức tạp có.
U nang vú là do sự tổn thương lành tính ở vú hình thành nên vì thế nó còn được gọi là bệnh vú lành tính ở phụ nữ. U nang vú đơn giản hình thành như một sai lệch trong quá trình phát triển tự nhiên của vú và được cấu tạo bởi một khoang biểu mô chứa đầy chất lỏng bên trong. Những u nang này có thể hoàn toàn không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ, hoặc có thể có triệu chứng, biểu hiện dưới dạng cục u, đau hoặc tiết dịch núm vú kèm theo.
U nang vú có thể xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới, tuy nhiên tỉ lệ mắc ở phụ nữ phổ biến hơn nhiều.
Mức độ phổ biến
Nhiều nghiên cứu cho thấy hơn 70% phụ nữ phát triển các thay đổi xơ nang trong suốt cuộc đời của họ. Trong đó, 20% phụ nữ có triệu chứng và 7% phụ nữ có thể sờ thấy u nang.
Tỷ lệ mắc u nang vú tăng dần theo độ tuổi và giảm đáng kể sau khi mãn kinh.
Nguyên nhân gây ra u nang tuyến vú
Sinh bệnh học
Mỗi bên ngực của bạn có chứa các thùy mô tuyến, được sắp xếp như những cánh hoa cúc. Các thùy này được chia thành các tiểu thùy nhỏ hơn để sản xuất sữa trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Để tạo hình dạng cho vú, có các mô nâng đỡ tạo thành từ mô mỡ và mô liên kết dạng sợi. U nang vú phát triển do sự tích tụ chất lỏng bên trong các tuyến vú. Nguyên nhân khiến chất lỏng tích tụ cho tới nay vaãn chưa được biết rõ, tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng điều này xảy ra là do:
- Dư thừa hormone estrogen
- Mất cân bằng nội tiết tố khác
- Sưng, viêm tiểu thùy sữa
- Nhiễm trùng
Dư thừa hormone estrogen
Sự thay đổi hormone sinh sản ở nữ giới (estrogen và progesteron) hay nói chính xác hơn là sự dư thừa hormone có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra u nang vú. Quá trình xơ nang hóa cơ bản có thể bắt nguồn từ việc sản xuất quá mức estrogen và ức chế progesterone, điều này dẫn đến tăng sinh mô liên kết và gây tăng độ dày biểu mô.
Song song với đó, sự thay đổi nồng độ hormone của bạn trong chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể gây nên sự khó chịu như ngực bị đau, sưng lên, xuất hiện dày sần.
Đặc biệt trong giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen của phụ nữ dao động cao – thấp bất thường, lúc lên rất cao, lúc lại xuống thấp. Điều này làm phụ nữ tuổi gần mãn kinh có nguy cơ bị u nang vú cao hơn. Sau thời kỳ mãn kinh, khi lượng estrogen giảm xuống, các u nang thường ngừng hình thành. Những phụ nữ sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) vẫn có thể bị u nang.
Mất cân bằng nội tiết tố khác
Ngoài ra, sự mất cân bằng nội tiết tố khác, bao gồm: prolactin (kích thích tuyến vú phát triển và bài tiết sữa), insulin, yếu tố tăng trưởng và hormon tuyến giáp… cũng là nguyên nhân gây u nang vú. Các hormon này được sản xuất trong tế bào vú và gửi tín hiệu cho các tế bào chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng tế bào và phân chia. Nếu quá trình này bị cản trở, sự tăng trưởng tế bào sẽ bị dừng lại và kết quả là hình thành nên u xơ, u nang vú.
Sưng viêm tiểu thùy sữa
Các u nang thường được tìm thấy trên các tiểu thùy sản xuất sữa và các đơn vị tiểu thùy ống cuối. Vì thế, nguyê nhân có thể của u nang trong trường hợp này là do sưng hoặc viêm gần các đơn vị tiểu thùy ống cuối.
Nhiễm trùng
Đôi khi, u nang vú xuất hiện do tình trạng nhiễm trùng ở vú. Lúc này, u nang sẽ xuất hiện cùng với tình trạng mẩn đỏ, đau và tiết dịch. Loại u nang này thường phổ biến ở phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Không nên nhầm lẫn u nang vú với “u nang sữa” (galactoceles), là các u nang thường xuất hiện trong thời kỳ cho con bú hoặc cai sữa.
Vậy ai có nguy cơ mắc bệnh?
Nguy cơ mắc u nang tuyến vú cao đối với các trường hợp:
- Phụ nữ từ 20 – 45 tuổi có khả năng mắc bệnh cao và đặc biệt là phụ nữ ở tuổi gần mãn kinh
- Sử dụng các thuốc có chứa estrogen;
Một số phụ nữ cảm thấy ăn chocolate, uống caffeine hoặc ăn thức ăn nhiều chất béo gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng rõ ràng về điều này.
Triệu chứng thường gặp ở người mắc u nang tuyến vú
Nhiều phụ nữ bị u nang và hoàn toàn không có triệu chứng hay cảm nhận được u, họ chỉ được phát hiện tình cờ khi đi khám. Với những phụ nữ khác, họ có thể gặp phải một số triệu chứng tiêu biểu sau đây:
- Sờ nắn vào ngực thấy một khối u tròn nhẵn, dễ di chuyển, cảm thấy các vùng khác của vú không rõ ràng, bóp vào hơi đau, kích thước và số lượng thay đổi tùy từng lúc.
- Đau ngực hoặc đau ở khu vực của khối u. Nếu nang nhỏ thì đau ít, nang nhiều và kớn có thể gây đau nhiều và nặng nề khó chịu.
- Tăng kích thích vú và đau vú ngay trước khi hành kinh. Các triệu chứng này xuất hiện theo chu kỳ kinh nguyệt: 8 ngày trước khi hành kinh và biến mất sau hành kinh.Các triệu chứng này xuất hiện theo chu kỳ kinh nguyệt: 8 ngày trước khi hành kinh và biến mất sau hành kinh. Các triệu chứng này xuất hiện theo chu kỳ kinh nguyệt: 8 ngày trước khi hành kinh và biến mất sau hành kinh.
- Tiết dịch núm vú. Dịch này có thể trong, vàng, vàng rơm hoặc nâu sẫm
Hầu hết những dấu hiệu của bệnh u nang tuyến vú đều rất giống với triệu chứng của bệnh ung thư vú nên để chắc chắn rằng mình không mắc phải căn bệnh nguy hiểm này, bạn cần đến các cơ sở y tế tuy tín để kiểm tra, chẩn đoán xác định bệnh
Làm thế nào để tìm thấy u nang vú?
Các u nang có thể dễ dàng nhận thấy như một khối u trong vú hoặc tình cờ được tìm thấy khi chụp X-quang tuyến vú định kỳ hay khi khám tại phòng khám vú vì một lý do khác.
Khi bạn đi khám vì phát hiện thấy một khối u ở vú hay tình cờ phát hiện khối u vú, tại đây bạn sẽ được các bác sĩ hoặc y tá chuyên khoa thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bao gồm:
- Khám, kiểm tra vú
- Chụp X-quang vú, siêu âm
- Sinh thiết
- .v.v.
Tùy theo tình trạng sức khỏe cụ thể của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ có thể đưa ra phương pháp làm xét nghiệm cụ thể, giúp chẩn đoán chính xác bệnh đang xảy ra. Các xét nghiệm này thường chỉ cần thực hiện trong một ngày khám và bạn sẽ được thông báo kết quả vào cùng ngày. Với sinh thiết, bạn có thể phải đợi khoảng một tuần để nhận được kết quả.
Điều trị u nang tuyến vú
Trường hợp không cần điều trị
Thông thường, nếu u nang vú nhỏ và không gây ảnh hưởng gì tới cuộc sống thì bạn sẽ không phải điều trị hay theo dõi đặc biệt gì. Chúng lành tính và không có gì đáng lo ngại. U nang tuyến vú thường biến mất sau khi mãn kinh, nhưng ở một số phụ nữ, chúng có thể tồn tại suốt cuộc đời.
Trong trường hợp bạn cảm thấy u nang ngày một săn chắc hơn hoặc bạn nhận thấy những thay đổi da trên u nang, hãy đến gặp bác sĩ.
Trường hợp cần điều trị
Với trường hợp u nang lớn, gây nhiều khó chịu, bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị bằng một trong các phương pháp sau:
- Chọc hút
- Liệu pháp hormone
- Phẫu thuật
☛ Chọc hút. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ hút dịch u nang bằng cách sử dụng kim và ống tiêm nhỏ. Sau khi dịch được hút ra, u nang sẽ xẹp đi và biến mất.
Dịch hút ra nếu có màu từ trong đến vàng sẫm thì không đáng lo ngại và việc điều trị của bạn kết thúc. Nếu dịch có máu, nó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm.
Nếu không có chất lỏng nào được rút ra, bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm hình ảnh. Thiếu chất lỏng hoặc một khối u vú không biến mất sau khi hút cho thấy rằng khối u này hoặc ít nhất một phần của nó là chất rắn và một mẫu tế bào có thể được thu thập để kiểm tra ung thư .
Bạn có thể cảm thấy khó chịu khi chất lỏng chảy ra và khu vực này có thể bị bầm tím trong vài ngày. Tuy nhiên đây là vấn đề không đáng lo ngại.
Sau khi chọc hút, u nang của bạn có thể vẫn tồn tại hoặc xuất hiện thêm các u nang mới, nếu sau 2-3 chu kì kinh nguyệt mà chúng vẫn còn hoặc phát triển lớn hơn, bạn cần gặp bác sĩ để được đánh giá thêm.
☛ Liệu pháp hormone. Sử dụng thuốc tránh thai để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt có thể giúp giảm sự tái phát của u nang vú. Nhưng vì những tác dụng phụ có thể xảy ra, thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone khác, chẳng hạn như tamoxifen, thường chỉ được khuyến cáo cho những phụ nữ có các triệu chứng nghiêm trọng.
Ngừng liệu pháp hormone sau khi mãn kinh cũng có thể giúp ngăn ngừa u nang vú.
Đọc thêm: U nang tuyến vú uống thuốc gì?
☛ Phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ u nang vú chỉ cần thiết trong những trường hợp bất thường. Có thể cân nhắc phẫu thuật nếu u nang vú khó chịu tái phát hàng tháng hoặc nếu u nang vú chứa chất lỏng nhuốm máu hoặc có các dấu hiệu đáng lo ngại khác.
Tiên lượng
Tiên lượng của u nang vú thay đổi tùy thuộc vào căn nguyên của tổn thương cơ bản.
Nếu u nang là một u nang vú đơn giản, không có thành phần rắn và phân giải bằng cách chọc hút thì u đó hoàn toàn lành tính.
Nếu u nang có các thành phần rắn và/hoặc tái phát sau khi chọc hút thì điều này có thể phản ánh một bệnh lý ác tính tiềm ẩn. Tuy nhiên ung thư biểu mô trong nang cực kỳ hiếm, chiếm chỉ từ 0,1 đến 1% của tất cả các khối u ác tính ở vú.
U nang vú có tiến triển thành ung thư không?
U nang vú là một tình trạng lành tính và không làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú hay tiến triển thành ung thư vú. Tuy nhiên, việc có u nang có thể khiến bác sĩ tìm ra các khối u mới ở vú hoặc những thay đổi khác trở nên sẽ khó khăn hơn.
Tìm hiểu thêm: U nang vú có nguy hiểm không?
Phòng ngừa
U nang tuyến vú là bệnh tương đối lành tính và để giảm thiểu những tác động khó chịu do u nang gây ra và phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo những biện pháp sau:
- Mặc áo ngực phù hợp. Việc mặc áo lót quá chật có thể khiến u nang vú phát triển với kích thước lớn hơn, gây cảm giác khó chịu, đau đớn cho người bệnh. Vì thế hãy lựa chọn những chiếc áo ngực vừa vặn, nâng đỡ phù hợp để giảm bớt sự khó chịu.
- Hạn chế muối. Việc tiêu thụ ít muối trong chế độ ăn uống hằng ngày có thể giúp bạn giảm bớt khó chịu, đau đớn do u nang vú gây ra. Đồng thời, chế độ ăn ít muối còn giúp làm giảm nguy cơ mắc một số căn bệnh mãn tính khác, như: tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…
- Tự khám vú và kiểm tra vú định kỳ 6 tháng 1 lần.
Xem thêm: Cách tự khám vú để phòng ngừa u vú
Tóm lược
U nang tuyến vú hay u nang vú là một bệnh lành tính không phải ung thư. Bệnh thường không cần điều trị hay theo dõi đặc biệt gì, nhưng nếu bạn nhận thấy có những thay đổi bất thường hay khối u nang vú lớn, gây nhiều khó chịu thì hãy đi khám để được đánh giá và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Nguồn bài viết:
- https://breastcancernow.org/information-support/have-i-got-breast-cancer/breast-pain-other-benign-conditions/breast-cysts
- https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer/non-cancerous-breast-conditions/fibrosis-and-simple-cysts-in-the-breast.html
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562196/
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/breast-cysts/diagnosis-treatment/drc-20370290