Nhiều phụ nữ khi vô tình phát hiện trong ngực mình có khối u lạ thì vô cùng lo sợ. Sau khi đi khám dù đã được chuẩn đoán là u lành tính mà vẫn rất hoang mang không biết phải làm thế nào. Vậy u vú lành tính là gì, biểu hiện ra sao, bị u vú lành tính có gây hậu quả gì nếu không điều trị không? Chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
U vú lành tính là gì?
U vú là hiện tượng tăng sinh của các tế bào vú tạo nên các khối u, cục thừa không có chức năng gì, không di căn và không gây hại cho cơ thể. Nhưng có thể gây ra một vài phiền toái cho người bị. U vú lành tính không phải là ung thư và không đe dọa tới tính mạng. Tuy nhiên, một số loại u vú lành tính có thể chuyển thành ung thư vú, với tỉ lệ khoảng 0,08%.
Các khối u vú lành tính ở phụ nữ rất phổ biến. Có tới 1/2 phụ nữ sẽ trải qua những thay đổi tế bào sợi gây ra các khối u lành tính ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.
Có nhiều loại u vú lành tính khác nhau, phần dưới đây chúng ta cũng tìm hiểu một số loại thường gặp.
Các loại u vú lành tính và mức độ nguy hiểm
U nang xơ
Loại u này xuất hiện ở khoảng 50% phụ nữ trưởng thành do sự thay đổi của nồng độ hormone tại vú trong chu kì kinh nguyệt. Hàng tháng, vào giữa chu kì kinh (giai đoạn rụng trứng) đến ngay trước kì kinh, bạn có thể cảm thấy đau vú hoặc có cục nổi lên sần sùi trong vú. Chúng bắt đầu biến mất khi bạn bắt đầu có kinh và thường biến mất hẳn vào thời điểm hết kinh.
U nang
U nang hay u nang vú là những khối u vú chứa đầy chất lỏng bên trong, chúng thường có cấu trúc hình tròn hoặc bầu dục. U nang sinh ra do sự nở của ống dẫn sữa dưới đầu núm vú. U nang có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chúng phổ biến nhất là phụ nữ ở độ tuổi 40.
Bạn có thể bị một hoặc nhiều u nang trong vú. Nếu u nang đủ lớn, bạn có thể sờ thấy chúng, nó thường tròn và khá di động dưới da. U nang cũng có thể gây đau, căng hoặc nổi cục ở vú. Những triệu chứng này có thể trở nên trầm trọng hơn hoặc tốt hơn vào những thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt.
☛ Tìm hiểu thêm: U nang tuyến vú – Những kiến thức cần biết
U sợi tuyến (bướu sợi tuyến)
U sợi tuyến là những khối u rắn, mịn, chắc xuất hiện ở bất kì vị trí nào trong mô vú. Chúng thường không đau và khi sờ nắn có thể cảm giác như một viên bi ở vú, dễ dàng di chuyển dưới da. U sợi tuyến có kích thước và hình dạng khác nhau khác nhau, chúng có thể tự to ra hoặc thu nhỏ lại.
U sợi tuyến lành tính thường gặp nhất ở phụ nữ và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên chúng xảy ra thường xuyên nhất ở phụ nữ độ tuổi từ 15 đến 35.
U nhú trong ống dẫn sữa
U nhú trong ống dẫn sữa là những khối u nhỏ giống như mụn cơm xuất hiện ở niêm mạc của ống dẫn sữa gần núm vú. Chúng thường nhỏ hơn 1cm nhưng có thể phát triển lên tới 5 hoặc 6cm.
U nhú có thể gây tiết dịch hoặc chảy máu ở núm vú, đôi khi gây đau. Nhiều lúc chúng ta không thể sờ thấy khối u mà chỉ có hiện tượng chảy dịch hoặc chảy máu.
U diệp thể
U diệp thể là những khối u hiếm gặp, phát triển trong mô liên kết của vú, bao gồm các mô, dây chằng bao quanh các ống dẫn,mạch máu và mạch bạch huyết trong vú. U diệp thể đúng như tên gọi của nó, các tế bào của u này phát triển theo hình dạng giống như chiếc lá.
U diệp thể thường được sờ thấy như một khối u vú không đau. Chúng phát triển chậm và khoảng 90% không phải là ung thư, vì thế chúng thường không lan ra bên ngoài vú. Tuy nhiên, đôi khi một số khối u có thể phát triển nhanh chóng và làm căng da, nằm giữa lành tính và ung thư.
U diệp thể có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất khi phụ nữ ở độ tuổi 40
Các dấu hiệu và triệu chứng u vú lành tính
Có nhiều loại u vú lành tính khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều gây ra những thay đổi bất thường trong mô vú. Đôi khi chúng ảnh hưởng đến mô tuyến (hệ thống các tiểu thùy và ống dẫn sản xuất sữa, đưa sữa đến núm vú) hoặc ảnh hưởng đến mô nâng đỡ của vú, còn được gọi là mô đệm. Chính vì thế, chúng có thể gây ra một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp sau đây:
- Đau, sưng ở vú hoặc tăng độ nhạy cảm. Hàng tháng mức độ đau vú tăng lên hoặc nổi các khối u vào lúc rụng trứng hay ngay trước ngày hành kinh.
- Có thể sờ thấy một cục u qua da hoặc núm vú.
- Núm vú hoặc da vú bị đỏ hay đóng vảy.
- Đau hoặc co rút núm vú (nghĩa là một phần của núm vú trông giống như bị chụm lại hoặc kéo vào trong).
- Tiết dịch từ vú nhưng không phải là sữa, màu sắc có thể từ trong đến có máu, tới màu vàng, xanh lá cây, nâu sẫm hoặc thậm chí là đen.
Lưu ý: Nếu bạn chỉ gặp triệu chứng tiết dịch mà không kèm theo các triệu chứng khác, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Nhìn chung, vú tiết dịch màu vàng hoặc tiết dịch màu xanh lục là lành tính, còn khi tiết dịch có màu trong hoặc màu trà là dấu hiệu đáng quan tâm hơn. Tuy nhiên, bất kỳ loại dịch tiết nào cũng nên được kiểm tra bởi bác sĩ.
Cách tự thăm khám u vú lành tính
Có rất nhiều phương pháp để tự thăm khám ở nhà để sớm phát hiện và điều trị u vú kịp thời, tránh những phiền toái mà u vú gây ra. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích cho tự thăm khám, bạn có thể tham khảo.
Trình tự của tự khám vú
Lưu ý: trước khi tự thăm khám vú cần cởi áo ngực.
Nhìn: Đứng trước gương quan sát da vú và núm vú, các đường cong, hình thái vú để tìm các dấu hiệu khác biệt trên vú.
Sờ, nắn tuyến vú: Sờ đúng quy cách là dùng mặt lòng của 3 ngón tay giữa, day mô tuyến vú theo chiều dọc khắp tuyến vú. Áp lực các ngón tay sờ nắn vú từ nhẹ đến ấn sâu vào, chắc chắn nhưng nhẹ nhàng. Lặp lại các bước với bên đối diện và so sánh 2 bên.
Trình tự sờ nắn vú theo các tư thế sau.
- Đứng hoặc ngồi thẳng lưng.
- Nằm ngửa, nghiêng (kê gối dưới vai).
- Nằm ngửa, đặt tay sau ót.
Các dấu hiệu bất thường
- Nhận thấy bất kỳ một khối u nào trong vú hoặc trong nách.
- Một vùng dầy lên lạ thường không mất không mềm đi sau sạch kinh.
- Thay đổi kích thước, hình thái hoặc độ cân xứng của hai vú.
- Da vú thay đổi màu sắc, dầy lên, sưng hoặc có chỗ lõm vào trong tuyến vú, da vú đỏ
- Tróc vẩy núm vú hoặc da vú.
- Đau chói đầu vú hoặc trong vú.
- Tiết dịch núm vú có máu, xảy ra tự nhiên hoặc đè ép.
- Co kéo núm vú, núm vú bị thụt vào, đẩy ra hướng khác.
Trong trường hợp nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
Có nên loại bỏ khối u lành tính ở vú không?
Mặc dù u vú lành tính không phải là ung thư, nhưng một số loại u vú có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Vì thế các chuyên gia thường nhóm các tình trạng lành tính ở vú thành ba loại, tùy theo việc liệu chúng có làm tăng nguy cơ ung thư vú hay không. Các nhóm này bao gồm:
- Nhóm không làm tăng nguy cơ ung thư vú
- Nhóm tăng nhẹ rủi ro
- Nhóm tăng nguy cơ vừa phải
Bạn và bác sĩ có thể lập một kế hoạch theo dõi phù hợp với chẩn đoán của bạn. Các tình trạng “không tăng” và “tăng nhẹ” nguy cơ ung thư vú thường không cần phải điều trị gì ngoài các khuyến nghị tầm soát ung thư vú. Trong trường hợp chúng lớn và gây khó chịu, u vú có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật.
Đối với các tình trạng làm tăng nguy cơ ung thư vú “vừa phải”, bác sĩ có thể đề nghị bạn làm kiểm tra thường xuyên hơn bằng chụp nhũ ảnh và/hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác như siêu âm hoặc chụp MRI (chụp cộng hưởng từ). Họ cũng có thể đề xuất thêm các phương pháp khác để giảm rủi ro cho bạn nếu bạn có thêm các yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú, chẳng hạn như tiền sử gia đình.
Quyết định liệu có cần phải loại bỏ u vú lành tính hay không phải được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể.
Điều trị u vú lành tính
Nếu bạn cảm thấy đau, khó chịu hoặc bạn nằm trong nhóm tăng nguy cơ ung thư, bác sĩ có thể chỉ định một trong các phương pháp điều trị u vú lành tính sau đây:
- Chọc hút bằng kim nhỏ để dẫn lưu các nang chứa dịch.
- Phẫu thuật để loại bỏ cục u (cắt bỏ khối u .
- Thuốc kháng sinh đường uống cho các bệnh nhiễm trùng như viêm vú.
- .v.v.
U vú lành tính có tái phát không?
Các khối u vú lành tính khá phổ biến và có thể xuất hiện nhiều lần trong suốt cuộc đời bạn. Ngực của bạn có thể cảm thấy vón cục hoặc mềm khi nồng độ hormone thay đổi do kinh nguyệt hoặc mãn kinh. Bạn nên tái khám bất cứ khi nào cảm thấy có khối u hoặc nhận thấy sự thay đổi bất thường ở vú sau điều trị.
Mang thai ảnh hưởng gì tới u vú lành tính?
Sự thay đổi nồng độ hormone khi mang thai có thể gây ra các khối u ở vú, căng và tiết dịch ở núm vú. Bạn cũng có nhiều khả năng gặp phải những thay đổi lành tính ở vú hoặc bị nhiễm trùng vú (viêm vú) khi cho con bú . Những thay đổi ở vú khi mang thai hoặc cho con bú hiếm khi là ung thư.
Chế độ dinh dưỡng cho người u vú lành tính
Người bị u vú lành tínhcó thể tự làm thuyên giảm bệnh bằng các biện pháp ăn uống, cung cấp các dưỡng chất đầy đủ nhằm làm điều chỉnh cân bằng hormone, từ đó giúp làm nhỏ kích thước các khối u. Dưới đây là một số gợi ý của chúng tôi:
- Lựa chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, đảm bảo được tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Đa dạng hóa các loại thực phẩm trong khẩu phần ăn nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, các vi chất dinh dưỡng và các vitamin giúp cơ thể chống lại sự lão hóa, dọn các gốc tự do ngăn ngừa căn bệnh ung thư.
- Tránh sử dụng thực phẩm ướp muối mặn, thực phẩm qua chế biến ở nhiệt độ cao, thực phẩm qua xào rán dầu mỡ nhiều lần.
- Nên ăn thực phẩm cung cấp chất chống oxy hóa ở mức độ cao nhất như: Táo, quả bơ, việt quất, bông cải xanh, quế, sôcôla đen, đậu, đậu lăng, mù tạt, cam, rau oregano, trái mâm xôi, bắp cải đỏ, quả óc chó,…
- Ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C vì đó là kẻ thù của u vú ác tính.
Kết luận
U vú là tính là tình trạng tế bào mô vú phát triển bất thường nhưng không phải là ung thư. U vú thường vô hại và không gây ảnh hưởng gì tới tính mạng, tuy nhiên một số loại u vú có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú trong tương lai. Chính vì thế, nếu gặp các dấu hiệu bất thường ở vú, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác tình trạng của mình, từ đó có được phác đồ theo dõi hoặc điều trị nếu cần.
Để được tư vấn về u vú ở nữ giới, bạn có thể gọi tới tổng đài miễn cước 1800.1152 để các chuyên gia tư vấn thêm.