Việc phát hiện sớm u vú giúp bạn tránh được những ảnh hưởng của khối u tới sức khỏe (nếu có). Nhưng làm thế nào biết mình có bị khối u ở vú hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu cách phát hiện u vú trong bài viết dưới đây!
Cách phát hiện u vú tại nhà
Tự khám vú tại nhà để phát hiện u vú là một phương pháp được các bác sĩ khuyến khích phụ nữ thực hiện, điều này giúp phát hiện sớm những thay đổi bất thường ở vú. Một số loại u vú nếu được phát hiện sớm thì cơ hội sống sót sẽ cao hơn rất nhiều.
Để phát hiện u vú tại nhà bằng cách kiểm tra vú, bạn hãy làm theo các bước sau:
1. Kiểm tra bằng mắt
Bạn cởi áo sơ mi và áo ngực, đứng trước một tấm gương lớn trong căn phòng đủ ánh sáng. Nhìn vào bộ ngực của bạn.
Thả lỏng hai tay bên hông, quan sát và tìm xem vú bạn có bất kì thay đổi nào về hình dáng hay không, ví dụ: sưng vú, lõm da, núm vú thay đổi (có các vết loét, đổi màu, vết bong tróc)… Nếu 2 ngực không bằng nhau về kích thước hoặc hình dạng thì không sao cả. Hầu hết bộ ngực của phụ nữ đều không đều nhau.
Giơ hai tay lên cao, chắp tay sau đầu, xoay người từ bên này sang bên kia để kiểm tra các bộ phận bên ngoài của bầu ngực. Hãy nhớ nhìn vào cả đường viền bên dưới chúng. Bạn có thể phải dùng tay nâng ngực lên để xem.
Cuối cùng, chống hai tay lên hông và ấn mạnh xuống để làm căng cơ ngực bên dưới bầu ngực. Xoay từ bên này sang bên kia để có thể nhìn vào phần bên ngoài của bầu ngực.
Sau đó cúi người về phía gương. Cuộn vai và khuỷu tay về phía sau để làm căng cơ ngực. Lúc này, ngực của bạn sẽ đổ về phía trước, hãy tìm bất kỳ thay đổi nào về hình dạng hoặc đường viền của ngực.
2. Kiểm tra bằng tay
Dùng phần mô thịt của ba ngón tay giữa (ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út) để tiến hành kiểm tra vú.
Đầu tiên, dùng tay trái để kiểm tra ngực bên phải. Hãy ấn vào mọi phần của vú phải với áp lực từ nhẹ, sau đó trung bình rồi mạnh. Cảm nhận xem ngực có cục u, đốm dày hay các thay đổi khác không. Mẹo: Bạn có thể ấn theo hình tròn từ ngoài vào trong để chắc chắn rằng bạn đã ấn vào mọi điểm trên vú.
Nhớ kiểm tra cả phần dưới quầng vú.
Sau đó, bóp nhẹ núm vú để xem có dịch tiết ra hay không.
Tiếp tục kiểm tra vú trái bằng tay phải. Lặp lại các bước kiểm tra tương tự như ở trên.
3. Kiểm tra bằng tay khi nằm
Khi bạn nằm, các mô vú sẽ trải đều hơn. Vì vậy, đây là một tư thế tốt để cảm nhận rõ những thay đổi ở vú, đặc biệt nếu ngực của bạn lớn.
Bạn nằm xuống và kê một chiếc gối dưới vai trái của mình. Đặt cánh tay trai của bạn sau đầu.Sử dụng tay phải, áp dụng kỹ thuật tương tự như bước 2 để ấn vào tất cả các phần của mô vú và dưới cánh tay. Nhớ kiểm tra cả dưới quầng vú và bóp nhẹ núm vú để kiểm tra dịch tiết ra.
Sau khi kiểm tra xong vú trái, đổi gối sang bên kia, lặp lại các bước kiểm tra bầu ngực và nách bên vú phải.
Đặc điểm khối u vú khi kiểm tra tại nhà
Nếu bạn có khối u ở vú, khi kiểm tra bằng các bước trên tại nhà, bạn sẽ nhận thấy những đặc điểm sau:
- Sờ thấy một cục u ở vú, cục u này có thể tròn, bầu dục hoặc hơi dài với lề cạnh rõ ràng (thường là u lành tính); hoặc u với hình dáng dị dạng, khó xác định lề cạnh (có thể là u ác tính).
- Cục u từ mềm tới săn chắc
- Cục u có thể dễ dàng di chuyển dưới các đầu ngón tay hoặc không.
- Có dịch chảy ra từ vú, dịch này có thể có màu trong, vàng, trắng hoặc xanh lá cây.
- Da vú bị lõm hoặc nhăn nheo
- Núm vú bị tụt vào trong
- Cảm giác nóng, mẩn đỏ hoặc có đốm đen trên da vú.
- Có hạch nổi ở nách.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy một số biểu hiện khác của u vú, như: Vú trở nên căng tức, đau, nhạy cảm khi gần tới kì kinh nguyệt và hết đau khi hành kinh.
Lưu ý
Phụ nữ nên tự khám vú mỗi tháng một lần. Với phụ nữ vẫn trong độ tuổi sinh đẻ (phụ nữ đang hành kinh và có kinh đều) nên tự khám vú sau kì kinh. Phụ nữ đã ngừng kinh nguyệt và những người kinh nguyệt không đều có thể chọn một ngày trong tháng. Ngày này cần được nhất quán và dễ nhớ, chẳng hạn như ngày đầu tiên của tháng, ngày cuối cùng của tháng hoặc số yêu thích của bạn.
Việc tự khám vú chỉ mất khoảng vài phút/lần và có thể dễ dàng được thêm vào thời gian biểu hàng ngày của bạn. Bạn có thể tự khám vú vào bất kể thời gian nào mà mình muốn: ban ngày, buổi tối, lúc nằm trên giường, khi đi tắm,…
Bạn có thể ghi lại những phát hiện trong quá trình khám vú của mình. Điều này giúp bạn dễ dàng nhận ra những bất thường ở vú.
Cách phát hiện u vú khi đi khám
Khi bạn đi khám vú, để phát hiện xem bạn có khối u vú hay không, bác sĩ sẽ tiến hành các bước như sau:
1. Khám vú lâm sàng
Ở bước này, bác sĩ sẽ tiến hành khám và hỏi về các triệu chứng của bạn.
Bạn sẽ cởi bỏ áo ngoài và áo ngực, sau đó bác sĩ sẽ xem xét cả hai vú của bạn để kiểm tra hình dạng, kích thước và cấu trúc da. Họ cũng sẽ sờ nắn ngực bạn bằng đầu ngón tay để kiểm tra xem có cục u nào không hoặc có gì bất thường không. Việc kiểm tra sẽ bao gồm toàn bộ vú, cả hai núm và nách.
Cùng với đó, họ có thể hỏi bạn một số câu hỏi như:
- Tuổi của bạn
- Gia đình bạn có ai bị u vú hay ung thư vú không
- Lịch sử y tế của bản thân bạn
- .v.v.
2. Làm các xét nghiệm
Nếu bác sĩ nhận thấy rằng bạn có một khối u ở vú hoặc các khu vực lân cận, họ sẽ đề nghị bạn làm một số xét nghiệm kiểm tra cần thiết, chẳng hạn như:
Chụp X-quang tuyến vú. Chụp X-quang vú giúp bác sĩ xem được những thay đổi đáng ngờ của vú, tìm kiếm những dấu hiệu ban đầu của u vú.
Siêu âm vú. Sóng âm thanh tạo ra hình ảnh bên trong vú của bạn trên màn hình. Hình ảnh siêu âm rất hữu ích để xác định xem một khối u ở vú là rắn hay chứa đầy chất lỏng.
Chụp MRI vú. Phương pháp này sử dụng từ trường mạnh cùng sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cấu trúc bên trong vú của bạn. Nó có thể phát hiện được những dấu hiệu không thể nhìn thấy trên hình ảnh thông thường.
Sinh thiết vú. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ trong vú của bạn để đưa tới phòng thí nghiệm phân tích, kiểm tra. Sinh thiết vú là cách để đánh giá một khu vực đáng ngờ trong vú và xem xét xem nó có phải u vú ác tính hay không. Có nhiều kiểu sinh thiết vú khác nhau, bao gồm:
- Sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ
- Sinh thiết kim lõi
- Sinh thiết lập thể
- Sinh thiết có hỗ trợ chân không
- Sinh thiết phẫu thuật
Bác sĩ sẽ cho bạn biết khi nào có kết quả xét nghiệm và sẽ thảo luận với bạn về kết quả này.
3. Trả kết quả
Sau khi khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ dựa vào kết quả kiểm tra và đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng u vú của bạn. Bạn có thể nhận được kết quả trong ngày với các xét nghiệm thông thường và lâu hơn nếu làm sinh thiết.
Nên làm gì nếu phát hiện u vú?
Sau khi phát hiện u vú tại nhà, bạn nên đi khám tại các bệnh viện. Bởi có nhiều loại u vú khác nhau và bạn không thể tự xác định chính xác các loại này tại nhà. Việc khám vú tại bệnh viện sẽ giúp phát hiện khối u chính xác hơn, về loại u, kích thước, vị trí khối u.
Sau khi thăm khám và phát hiện u vú tại bệnh viện, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, có thể là tiếp tục theo dõi hoặc chỉ định cắt bỏ ngay.
Nếu khối u vú không phải là ung thư (u vú lành tính), bác sĩ sẽ quyết định xem bạn có cần theo dõi ngắn hạn bằng khám vú lâm sàng hay chụp quang tuyến vú hay không. Bạn có thể được yêu cầu quay lại sau 2 đến 3 tháng để làm kiểm tra.
☛ Xem thêm: Khối u vú lành tính là gì?
Nếu chẩn đoán được nghi ngờ, chẳng hạn như khám lâm sàng vú và chụp quang tuyến vú cho thấy những vùng đáng nghi, nhưng sinh thiết cho thấy mô lành tính, bạn sẽ được giới thiệu đến bác sĩ phẫu thuật hoặc chuyên gia khác để được tư vấn thêm.
Nếu khối u ở vú là ác tính (ung thư), bạn sẽ thảo luận bác sĩ để lập kế hoạch điều trị. Giai đoạn và loại ung thư vú sẽ ảnh hưởng đến các lựa chọn điều trị của bạn.
☛ Xem thêm: Bệnh ung thư vú và cách điều trị
Tóm lược
Có hai cách phát hiện u vú, một là tự khám vú tại nhà và hai là đi khám tại bệnh viện, phòng khám. Tuy nhiên, việc khám vú tại nhà chỉ giúp xác định xem bạn có bị u vú hay không chứ không xác định được loại u cũng như kích thước, vị trí khối u. Vì thế, sau khi phát hiện khối u vú tại nhà, bạn vẫn nên đi khám để được chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Sau khi chẩn đoán được tình trạng u vú của bạn, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về việc điều trị, sao cho đó là phương pháp phù hợp nhất với cá nhân bạn.
Nguồn bài viết:
- https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/womens-health/in-depth/breast-lump/art-20044839
- https://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/3990-breast-self-exam