Nghe tới khối u vú ác tính, rất nhiều chị em cảm thấy hoang mang, lo sợ và không biết liệu đây có phải là ung thư vú hay không. Vậy u vú ác tính là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài biết này nhé.
U vú ác tính là gì?
U vú ác tính chính là ung thư vú, xảy ra khi các tế bào trong vú phát triển và phân chia ngoài tầm kiểm soát, không hoạt động như các tế bào bình thường của cơ thể. Giống như các bệnh ung thư khác , ung thư vú có thể xâm lấn và phát triển vào các mô xung quanh vú. Nó cũng có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể và hình thành các khối u mới, gọi là ung thư vú di căn.
Vú được tạo thành từ ba cấu trúc chính: tiểu thùy, ống dẫn và mô liên kết. Trong đó, các tiểu thùy là các tuyến sản xuất sữa; các ống dẫn sữa là những ống dẫn đưa sữa tới núm vú; mô liên kết bao gồm mô sợ và mô mỡ có nhiệm vụ liên kết các cấu trúc ở vú lại với nhau và bao quanh bảo vệ vú. U vú ác tính có thể bắt đầu ở một trong những cấu trúc này, nhưng phổ biến nhất là bắt đầu trong các ống dẫn hoặc các tiểu thùy.
Ngoài ra, có một số loại u vú ác tính khác ít phổ biến hơn, như bệnh Paget vú, ung thư vú dạng tủy, ung thư vú viêm,…
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất được chẩn đoán ở phụ nữ, chiếm hơn 1/10 các trường hợp ung thư mới được chẩn đoán mỗi năm. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới.
Các giai đoạn tiến triển
U vú ác tính có 5 giai đoạn chính, từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4 (0 đến IV). Cụ thể như sau:
U vú ác tính giai đoạn 0
Còn được gọi là ung thư ác tính biểu mô tại chỗ, các tế bào ung thư vẫn nằm giới hạn trong các ống dẫn vú và chưa lây lan sang các mô lân cận hoặc các bộ phận khác của cơ thể.
U vú ác tính giai đoạn 0 rất khó phát hiện. Bạn có thể sẽ không sờ thấy khối u nào khi tự khám vú tại nhà và có thể không có các triệu chứng khác. Bệnh có thể được phát hiện tình cờ khi sinh thiết vú vì một lý do khác, chẳng hạn để kiểm tra một khối u vú khác.
U vú ác tính giai đoạn I
Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư vú xâm lấn. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư đã lan rộng ra khỏi vị trí ban đầu và vào các mô vú xung quanh.
Ung thư vú giai đoạn I được chia thành:
– Giai đoạn IA: Khối u nguyên phát có kích thước từ 2 cm trở xuống và các hạch bạch huyết không bị ảnh hưởng. Khối u vú xâm lấn tới các mô mỡ ở vú.
– Giai đoạn IB: Các tế bào u vú ác tính được tìm thấy trong các hạch bạch huyết gần đó và không có khối u ở vú hoặc khối u nhỏ hơn 2 cm.
Tỷ lệ sống sót đối với u vú ác tính giai đoạn IA có thể cao hơn một chút so với giai đoạn IB. Tuy nhiên, tất cả phụ nữ bị u vú ác tính giai đoạn I đều được coi là có tiên lượng tốt.
U vú ác tính giai đoạn II
Còn được gọi là ung thư vú xâm lấn. Trong giai đoạn này, khối u có kích thước từ 2 – 5 cm hoặc đã lan tới các hạch bạch huyết dưới cánh tay cùng bên với khối u. Bạn có thể phát hiện thấy khối u cứng ở vú trong quá trình tự kiểm tra vú tại nhà.
Ung thư vú giai đoạn II được chia thành:
– Giai đoạn IIA (Giai đoạn 2A): Với một trong các dấu hiệu sau là đúng:
- Không có khối u trong vú, nhưng ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở nách (dưới cánh tay).
- Khối u ở vú từ 2 cm trở xuống và đã lan đến các hạch bạch huyết ở nách.
- Khối u ở vú có kích thước từ 2 cm đến 5 cm nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết ở nách.
– Giai đoạn IIB (Giai đoạn 2B): Với một trong các dấu hiệu sau là đúng:
- Khối u có kích thước từ 2 cm đến 5 cm và đã lan đến các hạch bạch huyết ở nách
- Khối u lớn hơn 5 cm nhưng chưa di căn đến các hạch bạch huyết ở nách.
U vú ác tính giai đoạn III
Còn được gọi là ung thư vú tiến triển cục bộ. U vú ác tính giai đoạn III là một dạng ung thư vú xâm lấn tiến triển hơn. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư thường không lây lan đến các vị trí xa hơn trong cơ thể, nhưng chúng hiện diện ở một số hạch bạch huyết ở nách.
U vú ác tính giai đoạn III được chia thành:
– Giai đoạn IIIA: Ung thư đã lan đến 4-9 hạch bạch huyết ở nách hoặc đã lan đến các hạch bạch huyết bên trong tuyến vú và khối u nguyên phát có thể có kích thước bất kỳ hoặc các khối u lớn hơn 5 cm và ung thư đã lan đến 1-3 hạch bạch huyết ở nách hoặc bất kỳ hạch nào ở xương ức.
– Giai đoạn IIIB: Một khối u đã xâm lấn vào thành ngực hoặc da và có thể đã hoặc không xâm lấn đến 9 hạch bạch huyết.
– Giai đoạn IIIC: Tế bào u vú ác tính được tìm thấy trong 10 hoặc nhiều hơn các hạch bạch huyết ở nách, các hạch bạch huyết gần xương đòn hoặc các hạch bên trong tuyến vú.
U vú ác tính giai đoạn IV
Còn được gọi là ung thư vú di căn. Ở giai đoạn này, khối u đã lan rộng ra ngoài vú đến các bộ phận khác của cơ thể gần hoặc xa vú. Các khu vực bị ảnh hưởng có thể bao gồm xương, não, phổi, gan hoặc nhiều bộ phận của cơ thể có thể liên quan.
Nguyên nhân gây u vú ác tính
Nguyên nhân chính
Một trong các nguyên nhân phổ biến gây u vú ác tính bao gồm:
– Sự tác động của estrogen: Estrogen được cho là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về khối u vú ở phụ nữ, bao gồm cả u vú lành tính và u vú ác tính. Nội tiết tố nữ estrogen có thể kích thích tế bào u vú ác tính và khiến chúng phát triển.
Phụ nữ có sử dụng liệu pháp estrogen sau cắt tử cung, tránh thai có nguy cơ mắc u vú ác tính cao gấp nhiều lần những người không sử dụng.
– Sự tác động của các chất phóng xạ, tia cực tím: Các tia phóng xạ, tia cực tím có khả năng tác động trực tiếp vào tế bào gây ra sự biến đổi chu trình sinh trưởng, phát triển của tế bào bình thường. Ngoài ra, các chất phóng xạ còn có thể gây ra các sự biến đổi về hormone estrogen trong cơ thể, kích thích khối u vú ác tính hình thành
– Sự tác động của hóa chất: Hóa chất, thực phẩm biến đổi gen tác động vào sự điểu hòa hormone trong cơ thể, làm rối loạn quá trình sản xuất, chuyển hóa estrogen, gây hiện tượng rối loạn nội tiết. Sự thay đổi, rối loạn hormone tác động trực tiếp vào tế bào, tạo điều kiện hình thành các khối u vú ác tính.
– Sự tác động của kiểu gen di truyền: Các bác sĩ ước tính rằng khoảng 5 đến 10% trường hợp u vú ác tính có liên quan đến đột biến gen di truyền qua các thế hệ trong một gia đình. Hiểu đơn giản, nếu trong gia đình bạn có mẹ, dì hoặc bà bị u vú ác tính, bạn có nguy cơ bị u vú ác tính cao hơn những phụ nữ khác.
Một số gen đột biến di truyền có thể làm tăng khả năng mắc u vú ác tính đã được xác định. Nổi tiếng nhất là gen ung thư vú 1 (BRCA1) và gen ung thư vú 2 (BRCA2), cả hai đều làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc
Ngoài các nguyên nhân chính phía trên, có một số yếu tố đã được xác định là có thể làm tăng nguy cơ mắc u vú ác tính ở một người, bao gồm:
- Là nữ
- Tuổi cao
- Tiền sử cá nhân về các tình trạng vú
- Tiền sử cá nhân về bệnh ung thư vú
- Béo phì
- Dậy thì và có kinh nguyệt sớm (trước tuổi 12)
- Mãn kinh muộn
- Sinh con đầu lòng sau 30 tuổi
- Chưa từng mang thai
- Sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh
- Uống rượu
Xem thêm: Tìm hiểu các nguyên nhân ung thư vú
Dấu hiệu nhận biết
Trong giai đoạn đầu, u vú ác tính có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và bạn cũng không sờ thấy cục u nào trong vú.
Mỗi loại ung thư vú có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Nhiều trong số các triệu chứng này tương tự nhau, nhưng một số có thể khác nhau.
Các triệu chứng của bệnh ung thư vú phổ biến nhất bao gồm:
- Sờ thấy một cục hoặc mô dày lên ở vị trí mà trước đó không có, cảm giác khác với mô xung quanh
- Đau vú
- Da vú đỏ, rỗ trên toàn bộ vú
- Sưng toàn bộ hoặc một phần vú
- Núm vú tiết dịch mà không phải sữa mẹ
- Chảy máu từ núm vú
- Núm vú hoặc vú bị bong tróc, đóng vảy
- Vú có sự thay đổi đột ngột, không giải thích được về hình dạng hoặc kích thước
- Núm vú bị tụt vào trong
- Có một cục u hoặc sưng tấy dưới cánh tay của bạn
Tuy nhiên bạn cũng cần biết rằng, nếu bạn có bất kì triệu chứng nào trong số này, điều đó không nhất thiết khẳng định rằng bạn bị u vú ác tính. Bởi u vú lành tính cũng có nhiều triệu chứng tương tự với các triệu chứng ở trên.
Để xác định được chính xác tình trạng của mình, bạn cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa.
➤ Xem thêm: Phân biệt chính xác khối u vú lành tính và ác tính
Điều trị u vú ác tính
Để quyết định được phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ dựa vào: giai đoạn ung thư của bạn, mức độ xâm lấn của nó (nếu có) và khối u đã phát triển lớn như thế nào.
Các phương pháp điều trị u vú ác tính thường thấy là:
- Phẫu thuật. Trong ca phẫu thuật các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ mô ung thư.
- Hóa trị liệu. Sử dụng các loại thuốc đặc biệt để thu nhỏ hoặc tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc có thể ở dạng uống hoặc tiêm tĩnh mạch, đôi khi là cả hai loại.
- Liệu pháp nội tiết tố. Mục đích của liệu pháp này là chặn các tế bào ung thư nhận được các hormone mà chúng cần để phát triển. Phương pháp này có thể sử dụng thuốc hoặc ức chế buồng trứng bằng cách cắt bỏ hoặc đóng buồng trứng với phụ nữ tiền mãn kinh.
- Liệu pháp sinh học. Hoạt động với hệ thống miễn dịch của cơ thể để giúp nó chống lại các tế bào ung thư hoặc để kiểm soát các tác dụng phụ từ các phương pháp điều trị ung thư khác.
- Xạ trị. Sử dụng tia năng lượng cao (tương tự như tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư.
Sống chung với u vú ác tính
Nhận được chẩn đoán mắc u vú ác tính có thể là một điều khó khăn đối với bạn, nó có thể gây ra những ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, bạn hãy dành thời gian để đối mặt với điều này và lạc quan chính là “chìa khóa” để đẩy lùi mọi bệnh tật.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm người hỗ trợ mình trong việc chống chọi với bệnh tật, bằng cách:
- Nói chuyện với gia đình và bạn bè
- Nói chuyện với bác sĩ tâm lý
- Tham gia các hội nhóm với những người cùng hoàn cảnh
- Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về căn bệnh của mình
- Dành thời gian cho bản thân
Phòng ngừa
Chúng ta không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ mắc u vú ác tính nhưng có thể thực hiện một số hành động để làm giảm nguy cơ mắc u vú ác tính. Dưới đây là một số lời khuyên của chúng tôi
Giảm nguy cơ u vú ác tính cho phụ nữ có nguy cơ trung bình
- Tự khám vú định kì tại nhà (Chi tiết: Cách phát hiện u vú chính xác tại nhà).
- Hỏi bác sĩ về việc tầm soát ung thư vú.
- Uống rượu ở mức độ vừa phải (nếu bạn có thói quen này)
- Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần, mỗi ngày khoảng 30 phút.
- Hạn chế sử dụng liệu pháp hormone sau mãn kinh
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và đồ ăn tươi sống. Hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ chiên đi chiên lại.
Giảm nguy cơ u vú ác tính cho phụ nữ có nguy cơ cao
Nếu bác sĩ đã đánh giá tiền sử gia đình của bạn và xác định rằng bạn có các yếu tố khác, chẳng hạn như tình trạng tiền ung thư vú (làm tăng nguy cơ mắc u vú ác tính) bạn có thể cùng bác sĩ thảo luận về các phương pháp để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:
- Thuốc phòng ngừa. Thuốc ngăn chặn estrogen làm giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy nhiên những loại thuốc này có nguy cơ gây tác dụng phụ, vì vậy các bác sĩ thường chỉ kê những loại thuốc này cho những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
- Dự phòng phẫu thuật. Những phụ nữ có nguy cơ rất cao bị u vú ác tính có thể chọn phẫu thuật cắt bỏ vú dự phòng hoặc cắt cắt bỏ buồng trứng dự phòng để làm giảm nguy cơ mắc cả u vú ác tính và ung thư buồng trứng.
Tổng kết
U vú ác tính chính là ung thư vú, đây là một loại ung thư phổ biến ở nữ giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong vì ung thư ở phụ nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót của bệnh u vú ác tính đã tăng lên đáng kể và số ca tử vong liên quan đến căn bệnh này đang giảm dần. Nguyên nhân là do máy móc hiện đại đã giúp phát hiện bệnh sớm hơn cùng các phương pháp điều trị mới được cá nhân hóa và độ hiểu biết tốt hơn về căn bệnh này.