Bướu sợi tuyến vú khi mang thai có nguy hiểm không?

Bất kỳ bệnh lý nào trong thời kỳ mang thai đều khiến các bà bầu lo lắng liệu rằng bệnh này có gây nguy hiểm gì cho thai nhi không, đặc biệt là các bệnh tuyến vú. Và bệnh bướu sợi tuyến là một trong số đó.

Vậy bị bệnh bướu sợi tuyến khi mang thai có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của mẹ và em bé? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thông tin qua bài viết dưới đây.

Bệnh bướu sợi tuyến là gì?

Bướu sợi tuyến là một bệnh u tuyến vú lành tính, chiếm khoảng 25% trong các bệnh lý tuyến vú ở phụ nữ. Bệnh thường gặp ở nữ giới, độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.

Hiện chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh bướu sợi tuyến, nhưng các chuyên gia cho rằng sự mất cân bằng hormone là yếu tố quan trọng trong việc hình thành bệnh. Bệnh được biểu hiện qua các khối u nhẵn, rắn, có thể di động dễ dàng ở tuyến vú và ít gây đau.

Bướu sợi tuyến là một bệnh tuyến vú lành tính khá phổ biến ở phụ nữ

Bướu sợi tuyến không phải là một dạng ung thư vú. Hầu hết các trường hợp bướu sợi tuyến đều lành tính, không tiến triển thành ung thư và không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người bệnh. Riêng thể u Phyllodes có thể phát triển thành ung thư nhưng với tỷ lệ rất thấp.

Với các trường hợp bướu sợi tuyến kích thước nhỏ sẽ không cần bất kỳ can thiệp điều trị nào, chỉ cần theo dõi định kỳ. Trong trường hợp khối u bướu lớn hoặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định phẫu thuật cắt bỏ và tiếp tục theo dõi tích cực.

Như vậy, bệnh bướu sợi tuyến là bệnh lý tuyến vú lành tính, không ảnh hưởng tới khả năng mang thai hay sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.

☛ Tham khảo chi tiết hơn trong bài: Chứng bướu sợi tuyến vú ở phụ nữ

Ảnh hưởng của bệnh bướu sợi tuyến đến người mẹ

Gây đau tức vú

Là một bệnh lý lành tính nên bệnh bướu sợi tuyến không ảnh hưởng nguy hiểm gì đến sức khỏe bà mẹ trong suốt thai kỳ. Trong một số trường hợp, người bệnh bị bướu sợi tuyến với kích thước lớn (hay còn gọi là bướu sợi tuyến khổng lồ), sẽ làm tăng sự chèn ép lên các mô vú xung quanh gây nên tình trạng đau tức vùng ngực cho bà mẹ.

Bệnh bướu sợi tuyến có thể gây chèn ép mô vú, làm tăng cảm giác đau tức ngực ở phụ nữ mang thai

Mặt khác, khi mang thai, cơ thể phụ nữ có sự gia tăng về nồng độ hormone estrogen, progesteron để kích thích tuyến vú, tuyến tiết sữa phát triển. Sự gia tăng của các hormone này cũng có thể làm kích thích các bướu sợi tuyến có sẵn làm tăng kích thước khối u bướu sợi tuyến, gia tăng sự căng tức ngực, có thể gây khó chịu cho người mẹ.

Tuy nhiên, các dấu hiệu căng tức hay đau nhức ở ngực này sẽ mất dần sau một thời gian ngắn, cơ thể sẽ tự thích nghi với sự thay đổi nồng độ hormone trên nên các mẹ có thể yên tâm về vấn đề thay đổi này.

Những thai phụ bị bướu sợi tuyến nói riêng và mắc các bệnh tuyến vú nói chung, bên cạnh thăm khám thai cần đi kiểm tra chức năng tuyến vú định kỳ 3 – 6 tháng/lần trong thai kỳ. Khi xuất hiện dấu hiệu bất thường ở ngực như đau ngực kéo dài, căng tức ngực gây khó chịu nhiều, ngứa đầu ngực, khối u lên to bất thường,… các mẹ cần đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay.

Ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa

Theo các chuyên gia, bệnh bướu sợi tuyến có thể ảnh hưởng một phần đến khả năng tiết sữa sau sinh do khối u có thể gây chèn ép ống tiết sữa. Tuy nhiên tỷ lệ này không nhiều, đa số bà mẹ bị bướu sợi đều cho con bú bình thường như bao bà mẹ khác.

Các mẹ bị bướu sợi tuyến vẫn có thể cho con bú sữa mẹ bình thường như những bà mẹ khác

Bướu sợi tuyến có nguy hiểm cho thai nhi không?

Sự phát triển của thai nhi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ. Bệnh bướu sợi tuyến hầu như không gây nguy hiểm gì đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Dinh dưỡng của thai nhi được lấy từ cơ thể mẹ qua nhau thai. Người mẹ bị bướu sợi tuyến trong quá trình mang thai nếu bổ sung đầy đủ dinh dưỡng như bao bà mẹ khác thì em bé vẫn sẽ phát triển khỏe mạnh bình thường.

Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, tinh thần của bà mẹ cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển toàn diện của thai nhi. Những mẹ bị bướu sợi tuyến khi mang thai thường có cảm giác lo lắng, bất an, hay suy nghĩ dẫn đến tình trạng căng thẳng, stress, mất ngủ. Điều này rất không tốt với sức khỏe của cả con và người mẹ.

Stress, mất ngủ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi

Mặt khác, sự tăng kích thước khối u bướu trong thai kỳ làm gia tăng cảm giác căng tức, đau nhức ở ngực cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của bà bầu.

Căng thẳng, stress hay mất ngủ kéo dài ở phụ nữ có thai sẽ làm suy giảm sức khỏe người mẹ, thai nhi nhẹ cân, làm tăng nguy cơ sinh non,… Do vậy, các mẹ không nên quá lo lắng vì bướu sợi tuyến là một bệnh lành tính và không gây ảnh hưởng đến thai nhi, hãy giữ tinh thần thoải mái vui vẻ để thai nhi được phát triển tốt nhất.

Các bà mẹ bị bướu sợi tuyến nên giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái giúp thai nhi phát triển toàn diện

Phụ nữ bị bướu sợi tuyến khi mang thai nên làm gì?

Bướu sợi tuyến tuy là một bệnh lành tính và hầu như không gây nguy hiểm gì trong thai kỳ, nhưng các mẹ cũng không nên quá chủ quan, cần đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt để tránh sự phát triển của khối u, giảm thiểu các tác động tiêu cực lên sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Chế độ ăn uống

Cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và các yếu tố vi lượng. Mẹ bầu nên ăn đa dạng các loại thực phẩm và cần chú ý đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh các thực phẩm có chứa chất kích thích tăng trưởng hay hóa chất bảo vệ.

Bên cạnh đó, phụ nữ có thai nên hạn chế đồ ăn nhanh, đồ uống có ga, cafe, trà; tránh bia rượu, hút thuốc (thụ động và bị động). Thay vào đó, mẹ bầu nên uống đồ uống chứa nhiều dinh dưỡng và tốt cho thai nhi như nước ép trái cây, các sản phẩm từ sữa, các loại sữa hạt,…

Bà bầu bị bướu sợi tuyến nói riêng và phụ nữ mang thai nói chung nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi

Chế độ sinh hoạt, vận động

Phụ nữ có thai nên luyện tập một cách nhẹ nhàng, tránh vận động mạnh; nên duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập đơn giản, phù hợp với sức khỏe bà bầu. Các hoạt thích hợp với bà bầu có thể kể đến như đi bộ, tập yoga, đọc sách, nghe nhạc,…

Giữ cho mình một tinh thần thoải mái, đảm bảo ngủ đủ giấc (ít nhất 8 giờ cho giấc ngủ tối, nên ngủ trưa khoảng 30 – 45 phút), không thức khuya cũng là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé trong thai kỳ.

Massage ngực

Khi mang thai vùng ngực thường xuyên bị căng tức, đặc biệt là ở những mẹ bị bướu sợi tuyến. Trong trường hợp căng tức ngực gây ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như sinh hoạt của bà bầu, các mẹ có thể chườm ấm hoặc massage nhẹ nhàng bầu ngực, có thể massage cùng các loại dưỡng ẩm như dầu dừa hay dầu olive.

Chỉ nên massage ở vùng bầu ngực, không massage trực tiếp lên núm vú (đầu ti) vì có thể làm tăng co bóp tử cung, làm tăng nguy cơ sinh non, dọa sảy. Mẹ bầu nên chọn áo ngực có kích thước và chất liệu phù hợp tạo cảm giác thoải mái cho vùng ngực.

Thăm khám vú định kỳ

Với các bà bầu bị bướu sợi tuyến, ngoài các mốc khám thai quan trọng, các mẹ cần lưu ý đi kiểm tra tuyến vú định kỳ 3 – 6 tháng một lần để theo dõi sự phát triển của khối u bướu. Nếu có dấu hiệu bất thường ở tuyến vú cần đến cơ sở y tế để kiểm tra ngay.

Phụ nữ bị bướu sợi tuyến có ý định mang thai nên thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mang thai. Việc thăm khám tuyến vú tiền thai kỳ có ý nghĩa quan trọng, bác sĩ sẽ cung cấp những thông tin và giải đáp giúp bạn các thắc mắc về sức khỏe thai kỳ.

Trong một số trường hợp, nếu kích thước bướu sợi lớn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ khi mang thai, bác sĩ có thể sẽ chỉ định điều trị loại bỏ khối u trước khi mang thai để đảm bảo cho người mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh sau này.

Bài viết liên quan