Tổng hợp nguyên nhân ung thư vú và cách phòng ngừa!

Ung thư vú là một bệnh ung thư khá phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh lý ung thư ở phụ nữ.

Ung thư vú được hình thành trong tuyến vú, có thể gặp ở cả nam và nữ giới. Đây là một bệnh lý rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy, việc biết được nguyên nhân ung thư vú là một việc rất quan trọng để phòng tránh bệnh lý này. Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây ung thư vú.

1. Ung thư vú là gì?

Với một cơ thể người trưởng thành khỏe mạnh, lượng tế bào sinh ra và chết đi có tính chất cân bằng, nhằm đảm bảo sự hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể. Sự cân bằng này có được nhờ vào cơ chế tự chết theo chu trình của tế bào.

Khi có tác động của yếu tố nào đó tạo nên đột biến khiến tế bào của cơ thể không còn chết theo chương trình tự nhiên, sẽ tạo nên khối tế bào lạ, phát triển mất kiểm soát. Đó là các tế bào ung thư.

Ung thư vú là do các tế bào tuyến vú tăng sinh quá mức tạo thành khối u ác tính

Ung thư vú chính là bệnh lý mà các tế bào tuyến vú phát triển bất thường, không kiểm soát được, tạo nên khối u tại tuyến vú. Các tế bào ung thư này có thể di chuyển theo hệ bạch huyết đến cơ quan khác và phát triển tại đó, tạo thành các khối u di căn. Ung thư vú có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới (tỷ lệ ung thư vú ở nam giới rất thấp, khoảng 1%).

☛  Tìm hiểu chi tiết trong bài: Bệnh ung thư vú 

2. Nguyên nhân nào dẫn đến ung thư vú?

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên ung thư vú là gì. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã xác định được một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng hình thành ung thư vú. Cùng tìm hiểu rõ hơn về các yếu tố nguy cơ này nhé!

Nhóm yếu tố nguy cơ không thay đổi được: Đây là nhóm các yếu tố nguy cơ dù bạn biết nhưng cũng không thể tác động hay thay đổi được. Tuy nhiên nếu biết bản thân có những yếu tố này, bạn hoàn toàn có thể chủ động theo dõi sức khỏe, từ đó giúp phát hiện bệnh sớm.

Tuổi tác

Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc ung thư vú càng cao. Ung thư vú thường gặp ở độ tuổi 50 – 65. Tại Việt Nam, ung thư vú đang có xu hướng trẻ hóa. Hiện nay độ tuổi 31- 35 có tỷ lệ ung thư vú ngày càng cao, thậm chí có những cô gái mới ngoài 20 cũng đã bị mắc căn bệnh này.

Di truyền

Nếu trong gia đình bạn từng có người bị ung thư vú thì bạn sẽ có nguy cơ cao hơn so với những người khác. Một trong những yếu tố di truyền cần được chú ý là người mang gen đột biến BRCA1 và BRCA2. Các gen này có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú lẫn ung thư buồng trứng.

Trường hợp của nữ diễn viên hàng đầu Holywood – Angelina Jolie chính là ví dụ cho yếu tố di truyền đối với bệnh ung thư vú. Cô mang gen đột biến BRCA1 giống như người mẹ đã qua đời vì căn bệnh ung thư, khả năng cô bị ung thư vú trong tương lai lên tới 87%. Vì vậy, để giảm tỷ lệ phát triển thành ung thư vú xuống thấp nhất, cô đã cắt bỏ toàn bộ tuyến vú để phòng ngừa căn bệnh này

Tiền căn thai sản

Không có con hoặc có con muộn: Qua theo nghiên cứu và thống kê, phụ nữ không mang thai hoặc mang thai muộn có tỉ lệ mắc ung thư vú cao hơn phụ nữ sinh con trước 35 tuổi.

Rối loạn hormone estrogen

Có kinh nguyệt sớm (<12 tuổi) hoặc mãn kinh muộn (>50 tuổi) là dấu hiệu của sự rối loạn nồng độ hormone estrogen. Nồng độ estrogen tăng cao có thể dẫn đến sự tăng sinh tế bào tuyến vú, làm tăng khả năng đột biến ở tế bào tuyến vú.

Phơi nhiễm bức xạ vùng ngực

Việc điều trị bằng tia xạ có thể làm tăng sự xuất hiện đột biến gen ở các tế bào tuyến vú. Trước đây, bệnh lao phổi còn phổ biến, nhiễm bức xạ thường xảy ra với phụ nữ bị chụp X quang phổi nhiều lần. Ngày nay, tác nhân này rất hiếm gặp nhưng bạn cũng nên thận trọng với những tình huống phơi nhiễm bức xạ không cần thiết trong y khoa.

Điều trị tia xạ vùng thành ngực làm tăng tỷ lệ mắc ung thư vúNhóm yếu tố nguy cơ khác: Đây là các yếu tố nguy cơ nếu biết trước, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh, làm giảm thiểu khả năng hình thành và phát triển của bệnh ung thư vú

Sử dụng liệu pháp hormone thay thế (HRT)

Liệu pháp thay thế hormone thường được sử dụng trong điều trị các triệu chứng của giai đoạn mãn kinh bằng cách bổ sung Estrogen cho cơ thể. Nếu bạn sử dụng HRT lâu hơn một năm, thì bạn có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người không dùng HRT.

Lạm dụng thuốc tránh thai

Việc sử dụng thuốc tránh thai sẽ làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư vú. Thời gian sử dụng càng lâu thì nguy cơ này càng cao.

Người sử dụng thuốc tránh thai hay thuốc hormone thay thế có nguy cơ hình thành ung thư vú cao hơn bình thường

Yếu tố nguy cơ khác

  • Không cho con bú: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ có tỉ lệ mắc ung thư vú thấp hơn so với những phụ nữ không cho con bú.
  • Lối sống: Tình trạng béo phì hay uống nhiều bia rượu, hút thuốc,… có thể làm thay đổi nồng độ hormone Estrogen trong cơ thể. Sự tăng sinh tế bào tuyến vú có mối liên hệ chặt chẽ với nồng độ estrogen. Vì vậy, những người thừa cân, hút thuốc, uống nhiều bia rượu,… sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn bình thường.
  • Môi trường: Nếu bạn sống, làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, tia tử ngoại, tia X thì nguy cơ mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng sẽ cao hơn. Vì, những tác nhân này có thể gây nên đột biến gen. Tiếp xúc với các tác nhân càng lâu tỉ lệ mắc các bệnh ung thư càng cao.
Béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú

Trên đây là các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng phát triển ung thư vú. Tuy nhiên không có nghĩa rằng nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ thì bạn chắc chắn sẽ bị ung thư vú. Việc biết được các yếu tố này, sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.

3. Triệu chứng của ung thư vú

Trong giai đoạn đầu của bệnh, hầu như không có triệu chứng rõ ràng, khiến người bệnh khó phát hiện. Vì vậy, nếu xuất hiện một trong các triệu chứng sau tốt nhất bạn nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt:

  • Sờ thấy khối cứng hoặc u cục ở bầu ngực: Đây là dấu hiệu điển hình giúp mọi người dễ nhận biết nhất. Trong thời kỳ đầu, các khối u này thường không gây đau, nên thường bị mọi người bỏ qua.
  • Có sự thay đổi về kích thước và hình dáng ở một hoặc hai bên vú.
  • Núm vú bị tụt vào trong
  • Vùng da ngực bị lõm vào, căng kéo hoặc dày mô hơn bình thường.
  • Núm vú bị tấy đỏ, vùng da bầu ngực có thể có nốt đỏ, phát ban kèm theo.
  • Dịch núm vú bất thường
  • Xuất hiện hạch cứng ở nách hoặc vùng thượng đòn, có thể sưng đau hoặc không.
  • Có thể xuất hiện cảm giác đau nhẹ như kiến cắn trong vú, giai đoạn muộn có thể căng tức khó chịu, đau do u xâm lấn, chảy dịch hôi, chảy máu…
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú

Những triệu chứng này có thể gặp trong ung thư vú hoặc một số bệnh tuyến vú khác. Để chẩn đoán chính xác có phải ung thư vú hay không, bác sĩ sẽ cần đánh giá thêm qua kết quả chụp X – quang, siêu âm vú và sinh thiết. Do đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, đừng quá lo lắng hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh được chính xác.

☛ Chi tiết hơn đọc tại bài viết: Dấu hiệu nhận biết ung thư vú đến gần

4. Cách phòng tránh ung thư vú

Ung thư vú là một bệnh lý rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách. Tỷ lệ sống 5 năm và chữa khỏi ở bệnh nhân ung thư vú ngày càng tăng. Tỷ lệ này càng cao nếu giai đoạn phát hiện và điều trị càng sớm.

Dựa vào nhóm yếu tố nguy cơ, bạn hoàn toàn có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa căn bệnh ung thư vú này.

  • Với những yếu tố nguy cơ không thay đổi được, chúng ta có thể phòng tránh cũng như phát hiện ung thư vú sớm bằng cách đi khám vú định kỳ. Tốt nhất là tối thiểu 1-2 lần/năm.
  • Với những yếu tố nguy cơ khác, chúng ta hoàn toàn chủ động thay đổi và phòng tránh bệnh ung thư vú bằng cách: thay đổi lối sống, tránh rượu bia, thuốc lá; thực hiện chế độ ăn hợp lý; tích cực vận động, luyện tập thể dục; hạn chế sử dụng các thuốc nội tiết nếu không thực sự cần thiết; …
Những biện pháp phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú

Bên cạnh đó, việc tự khám vú tại nhà hàng tháng cũng rất có ích trong việc phát hiện sớm các bất thường tại tuyến vú. Đối với phụ nữ có kinh nguyệt, thời gian tự khám tốt nhất là sau khi hết hành kinh 3 -7 ngày. Những phụ nữ đã hết kinh nguyệt thì có thể tự khám vú bất kỳ thời điểm nào trong tháng.

Ngoài ra, những phụ nữ từ 40 tuổi trở đi, dù không thuộc bất kỳ nhóm nguy cơ nào cũng nên thực hiện kiểm tra vú định kỳ ít nhất 1 lần/năm.

☛ Tham khảo thêm: Địa chỉ khám ung thư vú tốt nhất

Lời kết

Bệnh ung thư vú có thể gặp nhiều đối tượng khác nhau, có thể ở phụ nữ hoặc nam giới, người trung niên hay trẻ tuổi. Bệnh do nhiều yếu tố khác nhau tác động nên nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh và phát hiện sớm được căn bệnh quái ác này. Hãy xây dựng cho bản thân một môi trường và lối sống lành mạnh, đồng thời theo dõi cơ thể bạn mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi ung thư vú nhé!

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.benhvien108.vn/ung-thu-vu-phat-hien-som-benh-co-the-dieu-tri-khoi.htm
  2. https://kcb.vn/wp-content/uploads/2020/07/3128_QD-BYT_Huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-ung-thu-vu
  3. https://www.nhs.uk/conditions/breast-cancer/
Bài viết liên quan