Phân biệt khối u vú lành tính và ác tính, cách nhận biết chính xác

Nếu sờ thấy có khối u cục trong vú, điều đầu tiên bạn thắc mắc sẽ là tìm hiểu xem nó là u lành tính hay ác tính. Vì thế ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem u vú lành tính và u vú ác tính giống và khác nhau ở điểm nào? Làm cách nào để biết chính xác một cục u vú là lành tính hay ác tính?

Khối u là gì?

Khối u là một khối xuất hiệt do sự phát triển, tăng trưởng bất thường của các tế bào.

Bình thường, cơ thể chúng ta có thể kiểm soát sự phát triển và phân chia tế bào. Các tế bào mới được tạo ra để thay thế các tế bào cũ hoặc để thực hiện các chức năng mới. Các tế bào bị hư hỏng hoặc không còn cần thiết sẽ chết để nhường chỗ cho các tế bào lành mạnh.

Nếu sự cân bằng giữa sự phát triển và chết của tế bào bị xáo trộn, một khối u có thể hình thành. Khối u được chia thành hai loại chính là:

  • Khối u lành tính
  • Khối u ác tính (ung thư)

Khối u vú là những khối u xuất hiện ở trong vú. Chúng cũng được chia thành u vú lành tính và u vú ác tính. Để tìm hiểu về hai loại u vú này, chúng ta cùng theo dõi phần tiếp theo.

Khối u vú xuất hiện khi tế bào phát triển, tăng trưởng bất thường (Ảnh minh họa)

Cách nhận biết u vú lành tính và ác tính

Khối u vú lành tính và ác tính có những khác biệt về đặc điểm, hình thái tổ chức, tốc độ sinh trưởng,…

Đặc điểm

U vú lành tính có hình thái tế bào như những tổ chức bình thường khác của cơ thể. Khi sờ nắn thường thấy các khối u này có đặc điểm như sau:

  • Khối u có thể từ mềm đến săc chắc (tùy thuộc vào loại u mắc phải).
  • Khối u vú lành tính có thể gây đau, triệu chứng đau này thường xuất hiện khi gần tới chu kì kinh nguyệt và thuyên giảm dần, biến mất khi hết chu kì kinh.
  • Hình dạng thường tròn hoặc bầu dục với các lề cạnh rõ ràng.
  • Di động (dễ dàng di chuyển dưới các đầu ngón tay).
  • Khối u vú lành tính thường xuất hiệ ở góc phần tư phía trên vú.

U vú ác tính có kết cấu tế bào không theo quy tắc, khác biệt nhiều so với tế bào bình thường, phát triển ngoài tầm kiểm soát. Đặc điểm của khối u vú ác tính khi sờ nắn là:

  • Là một khối cứng, rắn chắc.
  • Không đau.
  • Có các cạnh không đều (dị dạng).
  • Khó xác định giới hạn khối u.
  • Không di chuyển dưới các đầu ngón tay khi sờ nắn.
  • Xuất hiện ở phần trên bên ngoài của vú.

Tuy nhiên bạn cũng cần nhớ rằng, không phải tất cả các khối u vú ác tính đều có các đặc điểm trên. Chúng cũng có thể tròn, mềm và xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên vú. Trong một số trường hợp, u vú ác tínht hậm chí có thể gây đau đớn.

U vú lành tính có hình thái tế bào như những tổ chức bình thường khác của cơ thể. Còn u vú ác tính có kết cấu tế bào không theo quy tắc, khác biệt nhiều với tế bào bình thường (Ảnh minh họa)

Tốc độ sinh trưởng

 U vú lành tính có tốc độ sinh trưởng chậm, đến một kích thước nào đó có thể ngừng, thậm chí tự tan. Khi u vú lành tính phát triển, nó có thể gây ra một số triệu chứng sau:

  • Da vú bị kích ứng.
  • Bị đỏ hoặc đóng vảy trên núm vú và/hoặc da vú.
  • Núm vú bị đau hoặc có rút.
  • Tiết dịch vú mà không phải là sữa. Màu sắc của dịch tiết có thể từ trong đến có máu, vàng, xanh lá cây, nâu sẫm hoặc thậm chí là đen.

Xem thêm: U vú lành tính là gì?

 U vú ác tính thì ngược lại. Chúng có tốc độ sinh trưởng nhanh, to thấy rõ trong thời gian ngắn. Kèm theo đó là một số triệu chứng khác:

  • Sưng một phần hoặc toàn bộ vú
  • Vú tiết dịch
  • Da vú bị kích ứng hoặc đóng vảy
  • Đỏ da vú và núm vú
  • Tụt núm vú
  • Sưng ở cánh tay, dưới nách, xương quai xanh.

Lưu ý. Mặc dù u vú lành tính thường có tốc độ sinh trưởng chậm và u vú ác tính tăng trưởng nhanh nhưng vẫn có những ngoại lệ. Trong một số trường hợp, vẫn có những khối u vú lành tính phát triển nhanh chóng và khối u vú ác tính phát triển chậm.

Xem thêm: U vú ác tính là gì?

U vú lành tính có tốc độ sinh trưởng chậm còn u vú ác tính thì ngược lại (Ảnh minh họa kích thước khối u vú ác tính)

Sự xâm lấn

 U vú lành tính sẽ không xâm lấn các mô lân cận hoặc lây lan sang khu vực khác của cơ thể, tức là nó sẽ không di căn. Tuy nhiên nó vẫn có thể đè lên các mô, dây thần kinh hoặc mạch máu lân cận và gây ra tổn thương.

 U vú ác tính có thể di chuyển khỏi vú thông qua máu hoặc hạch bạch huyết, sau đó lây lan và xâm lấn các mô khác trong cơ thể, đây được gọi là di căn.

Ví dụ ung thư vú bắt đầu trong mô vú và có thể lan đến các hạch bạch huyết ở nách nếu không được phát hiện sớm và điều trị. Một khi u vú ác tính đã di căn, các tế bào ung thư có thể di chuyển đến các khu vực khác của cơ thể, như gan hoặc xương. Sau đó có thể hình thành các khối u mới ở những vị trí đó.

Mức độ nguy hiểm

U vú lành tính. U vú lành tính thường không gây nguy hiểm cho người mắc, không đe dọa tới tính mạng hay ảnh hưởng tới khả năng mang thai, cho con bú. Tuy nhiên như đã nói ở trên, nó có thể phát triển và chèn ép vào mạch máu, dây thần kính, ống dẫn sữa và gây ra những tổn thương hoặc làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu.

Tìm hiểu thêm: U vú lành tính có nguy hiểm không?

U vú ác tính. U vú ác tính hay ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ (nó cũng có thể gặp ở cả nam giới). Ban đầu, khối u vú ác tính thường quá nhỏ để bạn có thể cảm nhận được. Tới khi phát triển và di căn, chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và dẫn đến tử vong. Vì thế, u vú ác tính là một bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá bi quan, bởi u vú ác tính có thể điều trị được dù phát hiện ở bất kì giai đoạn nào. Các phương pháp điều trị ung thư vú liên tục được cải thiện và đã được chứng minh là có thể giúp những người bị ung thư vúsống lâu hơn với chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Điều trị cơ bản

U vú lành tính. U vú lành tính trong nhiều trường hợp không cần phải điều trị hay theo dõi gì, trừ khi chúng phát triển quá lớn hoặc gây ra những khó chịu với người mắc. Trong trường hợp này, tùy thuộc vào loại khối u bạn mắc phải, tình trạng bệnh cũng như sức khỏe chung của bạn, bác sĩ có thể chỉ định một trong các phương pháp điều trị sau:

  • Sử dụng thuốc
  • Điều trị xâm lấn tối thiểu
  • Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u

Xem thêm: Điều trị u vú lành tính như thế nào?

U vú ác tính. Nếu các xét nghiệm cho thấy bạn bị ung thư vú, bạn và bác sĩ sẽ cùng thảo luận để lên một kế hoạch điều trị. Việc điều trị này sẽ phụ thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, kết quả xét nghiệm tế bào ung thư và giai đoạn của bệnh. Bác sĩ cũng sẽ xem xét tuổi tác và sức khỏe chung của bạn để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Việc điều trị thường được thực hiện trong vòng vài tuần sau khi chẩn đoán.

Một số phương pháp chính trong điều trị u vú ác tính là:

  • Phẫu thuật
  • Xạ trị
  • Hóa trị
  • Liệu pháp hormone
  • Liệu pháp miễn dịch

Chi tiết: Các phương pháp điều trị u vú ác tính

Tái phát

Cả u vú lành tính và u vú ác tính đều có thể tái phát sau điều trị. Tuy nhiên u vú lành tính có khả năng tái phát thấp hơn.

Một số loại vú lành tính xảy ra do sự mất cân bằng hormone. Việc phẫu thuật có thể giúp loại bỏ khối u ở thời điểm đó nhưng do sự mất cân bằng nội tiết vẫn còn nên bệnh vẫn có thể tái phát trong tương lai.

Ung thư vú tái phát xảy ra khi các tế bào (là một phần của bệnh ung thư vú ban đầu) tách ra khỏi khối u ban đầu và ẩn náu gần trong vú hoặc trong một bộ phận khác của cơ thể, sau đó chúng nhân lên và trở thành ung thư tái phát. Ung thư vú tái phát có thể xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau lần điều trị đầu tiên của bạn.

Tóm tắt sự khác biệt giữa u vú lành tính và ác tính

U vú lành tính

U vú ác tính

  • Tế bào có xu hướng không lan rộng.
  • Hầu hết phát triển chậm.
  • Không xâm lấn mô lân cận.
  • Không di căn (lây lan) sang các bộ phận khác của cơ thể.
  • Khối u có ranh giới rõ ràng.
  • Dưới kính hiển vi, hình dạng, nhiễm sắc thể và DNA của các tế bào trông bình thường.
  • Không tiết ra hormone hoặc các chất khác.
  • Có thể không cần điều trị nếu không gây khó chịu.
  • Ít có khả năng tái phát nếu đã khỏi hoặc cần điều trị thêm như xạ trị hoặc hóa trị.
  • Tế bào có thể lây lan.
  • Thường phát triển khá nhanh.
  • Có thể xâm lấn mô lành gần đó.
  • Có thể lây lan qua đường máu hoặc hệ thống bạch huyết vào mô lân cận.
  • Có thể tái phát sau khi điều trị, đôi khi ở các khu vực khác với vị trí ban đầu.
  • Dưới kính hiển vi, tế bào có nhiễm sắc thể và DNA bất thường, đặc trưng bởi nhân lớn, sẫm màu; có thể có hình dạng bất thường.
  • Có thể tiết ra các chất gây mệt mỏi và sụt cân (hội chứng paraneoplastic).
  • Có thể cần điều trị tích cực, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và thuốc điều trị miễn dịch.

U lành tính có thể chuyển thành ác tính không?

U vú lành tính rất hiếm khi biến đổi thành u vú ác tính. Tuy nhiên có một loại khối u thứ ba, được xếp vào là u lành tính nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ làm tăng ung thư vú từ nhẹ đến vừa phải, khối u này gọi là “khối u trung gian” hay là “khối u tiền ẩm ác tính”.

Khối u trung gian này có hình thái tế bào khối u được giới hạn giữa lành tính và ác tính nhưng lại không phù hợp với biểu hiện thực tế của nó. Tuy thuộc loại lành tính nhưng biểu hiện thực tế lại là sự khuếch tán cục bộ, có thể di căn (thường di căn gần và ít uy hiếp đến tính mạng bệnh nhân). Vì hình thái như vậy nên người ta quy nó là khối u lành tính và có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ nó đi, tuy nhiên sau phẫu thuật lại dễ tái phát.

Đó chính là nguyên nhân vì sao có những trường hợp được xác định là khối u lành tính nhưng vẫn được bác sỹ tư vấn thường xuyên tái khám định kì.

Tuy nhiên bạn cũng không nên quá lo lắng, không phải cứ bị khối u này là chắc chắn sẽ mắc ung thư vú trong tương lai. Nguy cơ mắc ung thư vú còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như: tiền sử bệnh của gia đình, môi trường sống, nghề nghiệp,…

Cách xác định chính xác u vú là lành tính hay ác tính

U vú lành tính và ác tính có những đặc điểm hình thái khác nhau. Tuy nhiên, để biết được chính xác xem khối u vú của mình là loại gì, bạn cần phải đi khám bác sĩ. Bởi như ta đã thấy ở trên, đôi khi các triệu chứng u vú lành tính và u vú ác tính rất giống nhau, vì thế rất khó để phân biệt được loại u vú nếu chỉ dựa vào các triệu chứng và thông qua sờ nắn.

Tại phòng khám, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và hỏi bạn một số câu hỏi. Sau đó, đề nghị bạn làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết khác.

Đừng quá lo lắng và hoảng sợ, hầu hết các khối u trong vú đều là lành tính, tỉ lệ này lên tới 60 – 80%.

Tóm lược

Khối u vú được chia làm hai loại chính là u vú lành tính và u vú ác tính. Hai loại khối u này có những đặc điểm hình thái khác nhau. Nhưng để biết một cách chính xác và chắc chắn xem đây là loại u nào, bạn cần phải đi khám.

Và hãy nhớ rằng, việc phát hiện ra khối u càng sớm thì khả năng điều trị được khối u càng cao. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy điều gì đó bất thường trong vú, đừng chờ đợi mà hãy đi khám sớm.

Bài viết liên quan